Đi lại dịp Tết Nguyên đán 2025: Nhộn nhịp bay trên trời, lo kẹt xe dưới đất

Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn đếm từng ngày. Việc đi lại đang được chú ý hơn bao giờ hết, bởi ai cũng mong đường về nhà được suôn sẻ, sum họp đón tết bên gia đình.

Hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hoàng Hùng
Hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hoàng Hùng

Bến xe, hàng không tăng chuyến

Tại TPHCM, các bến xe lên kế hoạch phục vụ 10 ngày trước và 10 ngày sau tết. Trong quãng thời gian này, xe sẽ xuất bến liên tục, cả ngày lẫn đêm để đưa khách về các vùng miền đón tết.

Sau khi thi kết thúc học kỳ 1, Mai An, sinh viên Trường Đại học Văn Lang đã nhanh chóng mua vé xe về quê ở Bến Tre. Khi ra bến xe, việc đi lại bình thường, không chen lấn như những lúc cao điểm. Điều này được các nhà xe lý giải, trong những ngày đầu phục vụ đi lại, lượng khách ra vào các bến xe tuy bắt đầu nhộn nhịp nhưng không xảy ra trường hợp quá tải bởi chủ yếu là sinh viên về quê sớm đón tết cùng gia đình, còn giới công sở vẫn chưa tới lịch nghỉ tết. Theo thống kê, chỉ riêng ngày 19-1, Bến xe Miền Tây đón 27.300 khách. Dự báo lượng khách sẽ tập trung và tăng cao từ ngày 25-1 đến ngày 27-1, phục vụ hơn 760.000 hành khách với gần 34.000 chuyến xe.

Bến xe Miền Đông mới ghi nhận đạt hơn 7.000 hành khách, tương đương 385 lượt xe trong ngày 19-1, lượng khách tăng cao hơn khi càng về chiều tối. Năm nay, bến xe dự báo sẽ có gần 140.000 lượt khách ra vào bến, tăng 103% so với cùng kỳ. Đặc biệt, dịp tết này, người dân tại thành phố có thêm lựa chọn khi sử dụng tàu metro để di chuyển xuống bến xe nhanh chóng.

Ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc bến xe, cho biết, hành khách chủ yếu di chuyển về Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, dự báo lượng khách sẽ bắt đầu tăng từ ngày 24-1 đến hết ngày 29-1. Đại diện bến xe thông tin, dịp tết này, đơn vị chuẩn bị hơn 9.000 xe để phục vụ 181.450 hành khách, trong đó các ngày cao điểm ước tính trung bình có 17.000-18.000 lượt khách rời bến.

Tại Bến xe Ngã tư Ga, lượng khách tại bến dự báo tăng 219% so với ngày thường, khoảng hơn 51.000 hành khách. Trong khi đó, Bến xe An Sương dự báo lượng khách sẽ tăng 59%, đạt hơn 79.000 lượt khách trong 20 ngày; ngày cao điểm có thể đạt gần 7.000 hành khách.

Về hàng không, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng đã bổ sung 586 chuyến bay, từ ngày 17-1 đến ngày 12-2, cho các đường bay từ TPHCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, các chặng được bổ sung nhiều nhất là Hà Nội - TPHCM và ngược lại. Để đảm bảo khai thác hiệu quả, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng bay tăng 14 máy bay, nâng tổng số lên 212 chiếc. Vietnam Airlines khai thác 1.500 chuyến bay đêm, Vietjet Air có 1.590 chuyến, tập trung các đường bay TPHCM đi miền Bắc và miền Trung. Tuy được bổ sung chuyến nhưng vé các chặng bay đã bán hết sạch.

Phối hợp phân luồng, giải tỏa kẹt xe

Nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trong dịp cao điểm tết, Ban An toàn giao thông TPHCM đã phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành phân luồng các phương tiện ra, vào TPHCM với các lộ trình, lưu thông từ TPHCM đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại, từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và ngược lại, lộ trình lưu thông từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại.

>> Cập nhật các lộ trình lưu thông thay thế tại TPHCM trong dịp tết

Bên cạnh đó, lãnh đạo các bến xe của TPHCM kiến nghị Sở GTVT TPHCM phối hợp Sở GTVT các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai phân luồng giao thông trục đường quốc lộ 1A, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây để hạn chế tắc nghẽn giao thông, đảm bảo giao thông không bị quá tải vào những ngày cao điểm đi lại.

U3b.jpg
Hành khách ngồi chờ tới giờ xe chạy tại Bến xe Miền Đông mới (TPHCM)

Đáng chú ý, tuyến Quốc lộ 13 thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương nhưng đoạn tiếp giáp TPHCM thường xuyên xảy ra ùn ứ kẹt xe. Nhằm đảm bảo đi lại trong dịp tết, theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, ngành chức năng tỉnh đã triển khai thay đổi phân luồng xe và các đoạn được phép quay đầu. Cụ thể, điều tiết xe máy chạy từ hướng tỉnh Bình Dương đi ngã tư An Sương (quận 12, TPHCM) phải đi ở làn đường trong cùng thay vì di chuyển vào các làn hỗn hợp như trước đây; các phương tiện từ TPHCM đi qua trạm thu phí BOT trên địa bàn phường Vĩnh Phú, TP Thuận An nếu muốn quay đầu thì phải di chuyển lên cách trạm thu phí gần 2km, tránh tình trạng các xe giảm tốc độ, quay đầu gần trạm thu phí và ngay khu vực ngã 3 Quốc lộ 13 - đường Nguyễn Trãi (TP Thuận An) làm ùn ứ phương tiện như trước. Theo ghi nhận của phóng viên, các giải pháp điều tiết giao thông mới được ngành chức năng tỉnh áp dụng đã từng bước khắc phục ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm ở xung quanh trạm thu phí và khu vực tiếp giáp TP Thủ Đức, TPHCM.

Nhằm giải quyết vấn đề ách tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí lực lượng điều tiết, hướng dẫn phân luồng linh hoạt cho các loại xe taxi, xe công nghệ… đón khách ở các làn B, C, D, D1, D2 để tăng cường giải tỏa khách, tùy theo tình hình thực tế tại sân bay. Song song đó, tiếp tục duy trì hoạt động bãi đậu xe tạm tại khu đất tiếp giáp đường vào ga quốc tế - Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm phục vụ tốt hoạt động vận chuyển hành khách trong các đợt cao điểm tết. Ông Trần Quang Lâm cũng yêu cầu các cơ quan chức năng liên tục cập nhật kịp thời tình hình giao thông trên các bảng báo, Cổng thông tin giao thông TPHCM, trang fanpage, kênh VOV Giao thông, VOH, ứng dụng Vietmap, Zalo Official… để người dân biết và chủ động điều chỉnh lộ trình lưu thông.

Khuyến cáo hạn chế lưu thông qua cầu Rạch Miễu

Cầu Rạch Miễu nối TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và huyện Châu Thành (Bến Tre), trong dịp tết này vẫn là tâm điểm kẹt xe. Những ngày qua, vào sáng sớm, trưa, chiều tối, tình trạng ùn ứ phương tiện, kẹt xe trên cầu Rạch Miễu và khu vực hai bên đầu cầu liên tục xảy ra.

Ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre, thông tin, tỉnh đã ban hành kế hoạch với nhiều phương án để góp phần giảm thiểu ùn ứ phương tiện, kẹt xe trên cầu Rạch Miễu trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2025. Trong đó, yêu cầu các lực lượng, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc cấm ô tô tải từ 3 trục trở lên lưu thông qua cầu Rạch Miễu trong khung giờ cao điểm (15-19 giờ); bố trí lực lượng và xe cứu hộ túc trực để kịp thời xử lý, giải quyết các trường hợp tai nạn giao thông, xe chết máy trên cầu và hai bên đầu cầu; chủ động xả trạm, tạm dừng thu phí để giải phóng lượng xe ùn tắc tại khu vực thu phí và khu vực dẫn vào cầu Rạch Miễu.

Trong khi đó, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết, từ nay đến trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025 sẽ bố trí lực lượng làm nhiệm vụ 24/24 tại khu vực cầu Rạch Miễu. Ngành giao thông tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người dân nên chọn nhiều tuyến giao thông khác để di chuyển, giảm kẹt xe trên cầu Rạch Miễu.

Giao thông Hà Nội: khó tránh ùn tắc

Theo báo cáo của Sở GTVT TP Hà Nội, trong năm 2024, TP Hà Nội đã nỗ lực xử lý được 13/33 điểm ùn tắc giao thông nhưng lại đang phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, nâng tổng số lên 36 điểm ùn tắc vào giờ cao điểm. Dự báo, ùn tắc nghiêm trọng ở cả nội đô và các tuyến đường cửa ngõ Hà Nội vào những ngày cận tết gần như khó tránh khỏi. Ùn tắc sẽ xảy ra tại các khu vực, tuyến đường ra, vào của thành phố, đặc biệt trên các trục đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trục đường Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt.

Sở GTVT TP Hà Nội đã có phương án phân luồng cụ thể cho các phương tiện. Trong đó, tuyến “nóng” nhất hướng từ trung tâm TP Hà Nội đi các tỉnh phía Nam được tách sớm theo 2 hướng: theo đường cao tốc và theo Quốc lộ 1 cũ.

Sở GTVT TP Hà Nội cũng đã đề nghị Công an TP Hà Nội phối hợp Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, các địa phương lân cận và các đơn vị có liên quan bố trí các lực lượng để hướng dẫn phân luồng tổ chức giao thông từ xa, có phương án xử lý khi xảy ra ùn tắc tại các tuyến đường ra, vào thành phố như nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao Đại lộ Thăng Long; nút giao đường Quốc lộ 5 cũ với đường Vành đai 3; nút giao Cổ Linh với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nút giao Võ Văn Kiệt - quốc lộ 2 - Võ Nguyên Giáp...

Tin cùng chuyên mục