Vé xe tết có thương hiệu như Phương Trang, Thuận Thảo, Thành Bưởi, Trần Tâm… rất khan hiếm, thậm chí hiện đã hết vé, trong khi lượng xe của các doanh nghiệp trên không đáp ứng đủ dù đã thuê xe tăng cường từ bên ngoài. Mặc dù các bến xe trên địa bàn TPHCM khẳng định không thiếu xe, nhưng xe có chất lượng cao lại không nhiều. Trong khi đó, hành khách rất ái ngại đi xe loại 3, loại 4 của các hợp tác xã trong bến vì chất lượng xe, cũng như cung cách phục vụ kém. Lợi dụng thực trạng này, hàng loạt hãng xe dịch vụ kinh doanh bên ngoài bến dưới dạng hợp đồng cùng nhau tăng giá gấp 3 lần so với ngày thường. Người mua bị bắt chẹt, trong khi nguồn thuế cũng bị thất thu. Đơn cử hãng xe Hùng Mai chạy tuyến TPHCM - Quảng Nam có văn phòng bán vé tại đường Đồng Đen và Hồng Lạc (quận Tân Phú) từ ngày 24 đến 28 tháng Chạp ghế ngồi với giá 750.000 đồng/vé, giường nằm 1.200.000 đồng/vé, trong khi ngày thường chỉ 250.000 đồng/vé ghế ngồi, 350 - 400.000 đồng/giường. Chúng tôi hỏi sao giá vé đắt gấp gần 3 lần so với ngày thường, cô nhân viên tại đây cho biết: “Giá tết mà anh! Giá này là vừa rồi”. Thấy chúng tôi còn lưỡng lự, người này tiếp tục: “Anh không mua mai quay lại không còn đâu nha!”. Không chỉ có hãng Hùng Mai bán vé tăng gấp 3 lần so với ngày thường mà còn có cả chục đơn vị như Xuân Tùng, A Tỷ, Ba Nga, Trần Đình… chạy tuyến TPHCM - Quảng Ngãi - Quảng Nam - Đà Nẵng - Huế và ngược lại trên địa bàn quận 12, Tân Bình, Tân Phú bán vé với giá “cắt cổ” như trên. Trong khi đó, ở một số khu vực khác trên đường Hùng Vương, Lê Hồng Phong (quận 10); Phạm Ngũ Lão (quận 1)… nhiều nhà xe hoạt động có tuyến TPHCM đi một số tỉnh Tây Nguyên và khu vực miền Trung cũng báo giá cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Ngày 6-2, tại Bến xe miền Đông (BXMĐ) dò hỏi mua vé tết từ TPHCM về các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế… từ ngày 24 đến ngày 28 tháng Chạp nhưng các quầy vé của các hãng xe có thương hiệu đều thông báo hết vé. Tuy nhiên, khi kiểm tra thông tin ở một số trang mạng rao bán vé xe có nhiều trang rao bán rất nhiều vé, thậm chí khẳng định vé tết ngày nào cũng có. Hành khách muốn mua vé thì phải chuyển tiền vào tài khoản nhưng có nhận được vé hay không thì chưa chắc. Trong khi đó, tình trạng “cò” vé cho nhà xe tại bến xe này diễn ra rất nhộn nhịp. Theo đó, các doanh nghiệp vận tải hoạt động trên tuyến cố định tại bến xe này, được các cơ quan chức năng cho thu thêm 20%-60% giá vé so với ngày thường vào khoảng 10 ngày trước tết. Trong đó, phần lớn giá vé tăng được 20% trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 16 tháng Chạp; tăng 40% từ ngày 17 đến 19 tháng Chạp; 60% từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp.
Hành khách chờ mua vé tại Bến xe miền Đông, TPHCM
Theo lãnh đạo BXMĐ, các doanh nghiệp (DN) vận tải hoạt động trong bến dịp Tết Nguyên đán 2018 chỉ được phụ thu tối đa 60% giá vé, nếu vi phạm thì lập tức bị xử phạt. Tuy nhiên, DN bên ngoài lại có thể tự tăng giá mà không bị xử lý vì đăng ký dưới dạng hợp đồng, Thanh tra Sở Tài chính TPHCM cho rằng, cơ quan này chỉ kiểm tra giá vé xe khách tuyến cố định hoạt động tại các bến, còn với việc DN hoạt động bên ngoài tăng giá thì không thể xử lý do các xe này đăng ký kinh doanh vận tải dưới dạng hợp đồng, tự thỏa thuận giá với hành khách mà không phải đăng ký hay kê khai giá cước như xe trong bến. Trong khi đó, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM không có chức năng xử lý việc tăng giá vé mà chỉ có chức năng xử lý hành vi dừng đậu, đón trả khách không đúng nơi quy định.
Nhiều doanh nghiệp vận tải tại các bến xe cho rằng, họ kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật thì bị khống chế về giá, còn những doanh nghiệp kinh doanh bên ngoài không tốn những loại phí bến bãi thì được tăng giá vé tự do, điều này tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh gây bức xúc cho các doanh nghiệp tại các bến xe.