Ngành học “vênh” đam mê
Năm học mới chỉ vừa mới bắt đầu nhưng N.H.H (SV năm 3 ĐH Kinh tế TPHCM) đã cảm thấy nhàm chán. Sự ngột ngạt trên giảng đường, những bài giảng với hàng loạt con số khiến H., chỉ muốn sự nghiệp học hành nhanh chóng kết thúc. Trong đầu H., những nét vẽ, những kiến trúc cổ mới thực sự thu hút cậu.
H., tâm sự: “Tôi thích học kiến trúc nhưng không thắng nổi sở thích của ba mẹ nên phải theo học kinh tế. Hàng ngày lên giảng đường, tôi cảm thấy mình lạc lõng trong đám bạn, lạc lõng với những bài giảng của giảng viên”.
Những trường hợp như H. không phải cá biệt, minh chứng là trong những năm gần đây, rất nhiều sinh viên “đi lạc” đã quyết tâm sửa, tìm đến với giảng đường theo sở thích của bản thân, dù cái đích có được tấm bằng trong tay chẳng còn xa.
Đơn cử như trên mạng xã hội đang râm ran câu chuyện về những bác sĩ tương lai đang theo học tại ĐH Y Dược TPHCM quyết định bỏ ngang để thi lại ngành mình yêu thích. Bất ngờ hơn khi có cả cử nhân y khoa đã hoàn thành 6 năm học tại ĐH Y Dược TPHCM cũng bẻ hướng tham gia xét tuyển để được theo học ngành công nghệ thông tin. Thậm chí nhiều trường hợp khác mạnh dạn từ bỏ giảng đường ĐH để theo học trường nghề.
Đó chỉ là vài trong số rất nhiều trường hợp nhận ra bản thân “đi lạc” giảng đường, dám từ bỏ ngành học mà nhiều người cố vươn tới để đi theo ước mơ của riêng mình đã diễn ra trong những năm gần đây.
Song để thay đổi, để từ bỏ một vị trí mà hàng triệu người khác mơ ước không hề dễ nên trong hàng triệu sinh viên kia, vô số người vẫn cố nán lại, cố bước đi để hy vọng một ngày nào đó bản thân sẽ “nảy sinh tình yêu” với cái nghề ấy.
Không nên hướng nghiệp suông
Chị Phạm Xuân Mai, 28 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, 5 năm trước chị cũng từng bỏ ngang công việc của một chuyên viên ngân hàng để bắt đầu lại với ngành bác sĩ thú y.
“Thú thực, ngay từ năm nhất ĐH tôi đã muốn bỏ học. Đến năm ba, tôi càng xác định bản thân không phù hợp với ngành đang học nên xin ba mẹ cho tôi theo đam mê nhưng bị phản đối gay gắt. Ba mẹ tôi nói nào là uổng phí 3 năm công sức, nào là học bác sĩ thú y sẽ rất vất vả và nguy hiểm… nên tôi cố “lết” để có được tấm bằng. Vậy nhưng khi đi làm, tôi không thể vượt qua những áp lực công việc, có lẽ vì không có tình yêu với nghề. Sau hơn 1 năm trải nghiệm công việc, tôi mạnh dạn cất tấm bằng vào tủ và đi theo ước mơ của mình”.
Giờ đây, chị Mai cũng đã tốt nghiệp ngành bác sĩ thú y tại ĐH Nông Lâm TPHCM. Dù là một ngành tương đối vất vả nhưng mỗi ngày làm công việc mà mình yêu thích, chị lại thấy hào hứng nên khó khăn không phải là trở ngại với chị.
Khách quan mà nói, ở lứa tuổi 17, 18, hỏi trẻ thích làm nghề gì thì quả thực để có được câu trả lời cũng không hề đơn giản. Bởi khi thiếu trải nghiệm, không nắm được thực tế công việc thì việc chọn nghề theo độ hot, theo sở thích của phụ huynh hay chọn nghề vì a dua với bạn bè vẫn còn phổ biến nên mới có tình trạng “học một đường - đam mê một nẻo”.
Sự thiếu đồng điệu ấy sẽ nhanh chóng bộc lộ khi bản thân không hứng thú với ngành học, không biết học ngành này ra sẽ làm được gì, từ đó dẫn đến sự chán nản, gượng ép và mục tiêu khi ấy hầu như chỉ là học để có cái bằng lận lưng.
Hiện nay, nhiều trường tổ chức hướng nghiệp nhưng chưa thực sự hiệu quả vì nhiều lý do. Huỳnh Anh Minh (26 tuổi, cựu sinh viên) chia sẻ: “Việc hướng nghiệp bằng một vài buổi nói chuyện như hiện nay hiệu quả rất thấp, thậm chí nhiều trường hợp khiến học trò lầm tưởng về ngành học và công việc trong tương lai. Còn nhớ, khi tôi tham gia hướng nghiệp tại trường, đều nghe những lời hay ý đẹp về ngành ngân hàng và công nghệ thông tin. Nào là đầu vào không khó nếu học lực khá giỏi, nào là học tốt sẽ có cơ hội nhận học bổng này nọ. Sau này, ngẫm ra, tôi mới thấy những chuyên gia tư vấn ấy nói chưa chuẩn, thậm chí không phân loại học sinh và sở thích, gặp ai, nhóm nào cũng nói nhiêu đó chuyện, khiến chúng tôi lầm tưởng và mơ hồ giữa ngành hot và ngành yêu thích. Hậu quả, tôi bỏ ngang vì không phù hợp, phải thi lại sau 2 năm. Thế nhưng, nói cho cùng, phải trách đầu tiên vẫn là bản thân vì tìm hiểu không kỹ cũng như không biết mình thích gì”.
Nếu như ở các nước có nền giáo dục phát triển, ngay từ THCS, THPT đã có các câu lạc bộ mô phỏng một xã hội thu nhỏ với nhiều ngành nghề trong thực tế để học trò cảm nhận được công việc trong tương lai thì ở nước ta hiện chỉ một số ít trường có câu lạc bộ như vậy.
Nhà trường chưa quan tâm đến hướng nghiệp ngay từ bậc học thấp, hỏi sao không xảy ra chuyện “học nhầm ngành, ngồi nhầm lớp” như thực tế hiện nay. Bởi vậy mà khi chọn lại, hầu hết những lựa chọn sau chẳng ăn nhập gì với lựa chọn trước, có người bỏ ngành này để theo học ngành kia, thậm chí có không ít bạn trẻ bỏ ĐH để đi học nghề.