Di dời nhà trên và ven kênh rạch: Vướng vì mua bán bằng giấy tay

TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án cải tạo bờ Bắc Kênh Đôi, rạch Xuyên Tâm. Tuy nhiên, hiện nay đang bị vướng bởi những trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay, vi bằng.

Hàng trăm trường hợp chờ đợi

Dọc tuyến đường Nguyễn Duy, phường Hưng Phú, quận 8, nơi đang thực hiện dự án cải tạo bờ Bắc Kênh Đôi, đã có nhiều căn nhà được tháo dỡ, bàn giao mặt bằng, nhưng cũng còn không ít trường hợp vẫn “án binh bất động” do chưa chi trả tiền bồi thường, tái định cư.

!5a.jpg
Một số căn nhà tại dự án cải tạo bờ Bắc Kênh Đôi (quận 8, TPHCM) đã được tháo gỡ, bàn giao mặt bằng

Ông B.M.D., ngụ tại đường Nguyễn Duy, phường 12, quận 8, cho biết, căn nhà của ông có diện tích hơn 30m2 được xây hàng chục năm nay. Trước đây, ông thuê căn nhà này để ở và buôn bán. Đến tháng 3-2022, chủ nhà bán lại cho ông bằng giấy tờ tay, lập vi bằng. “Căn nhà xây dựng đã lâu, xuống cấp mà không thể sửa. Mấy tháng nay, một số bà con trong khu vực lần lượt nhận tiền bồi thường, chuyển đi nơi khác sinh sống, tôi cứ thấp thỏm chờ mãi mà vẫn chưa đến lượt mình”, ông D. cho biết.

Theo tìm hiểu, dự án cải tạo bờ Bắc Kênh Đôi có 1.617 trường hợp bị ảnh hưởng. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) quận 8 đã tiếp xúc và có 1.201 trường hợp đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ. UBND quận 8 đã ban hành 415 quyết định bồi thường. Hiện Ban Bồi thường GPMB quận 8 đã chi trả tiền cho 268 trường hợp với số tiền gần 874 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 16,38%. Ông Nguyễn Hồng Thuận, Trưởng Ban Bồi thường GPMB quận 8, cho biết, mặc dù địa phương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nhưng hiện nay tiến độ chi trả và thu hồi mặt bằng chậm so với kế hoạch. “Khó khăn lớn nhất là gần 100 trường hợp chia tách, mua bán nhà đất bằng giấy tay, lập vi bằng từ ngày 1-7-2014 đến trước ngày có chủ trương thực hiện dự án. Hiện nay chưa có hướng dẫn giải quyết cụ thể”, ông Thuận nói.

Đối với dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm qua quận Bình Thạnh có 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng, chính quyền đã tiếp xúc 1.660 trường hợp, trong đó có 510 trường hợp đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ; đã chi bồi thường, hỗ trợ cho 407 trường hợp với số tiền hơn 283 tỷ đồng. Theo đại diện Ban Bồi thường GPMB quận Bình Thạnh, hiện có 382 trường hợp chưa có hướng giải quyết vì vướng mắc mua bán giấy tay, tách thửa. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc khó hoàn thành tiến độ GPMB theo chỉ đạo của Sở NN-MT.

Sớm có giải pháp cụ thể

Về nguyên tắc, các trường hợp chia, tách thửa đất, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ sau ngày 1-7-2014 bằng giấy tay, vi bằng là không đảm bảo pháp lý hoặc thuộc trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Do đó, theo Sở NN-MT TPHCM, khi GPMT phải lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người sử dụng nhà, đất trước đây. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc lập hồ sơ cho chủ cũ sẽ gây khó khăn vì người đang sử dụng nhà, đất sẽ không đồng ý, không bàn giao mặt bằng, hoặc chủ cũ đã mất, đã chuyển đi nơi khác.

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở NN-MT, đề nghị các địa phương lưu ý đối với những trường hợp hồ sơ có nguồn gốc đất chưa rõ ràng, ngoài việc xác định thông qua lấy ý kiến cộng đồng dân cư, thì việc xác định thời điểm xây dựng có thể dựa trên hồ sơ thủ tục hành chính khác như đăng ký khai sinh cho con, thời gian ký hợp đồng điện nước…

Từ những vướng mắc trên, ngày 20-12-2024, Sở TN-MT (nay là Sở NN-MT) đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM xem xét theo 3 phương án. Cụ thể, phương án 1, lập hồ sơ cho người đang trực tiếp sử dụng và thực hiện quy trình thông báo, niêm yết. Tuy nhiên, phương án này, các địa phương sẽ gặp khó khăn do không thể đảm bảo được tiêu chí “không thay đổi, phát sinh thêm giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” cho người được lập hồ sơ bồi thường so với người có đất bị thu hồi.

Phương án 2, giống như phương án 1 nhưng chỉ đảm bảo tiêu chí không thay đổi phát sinh thêm giá trị bồi thường, hỗ trợ. Riêng về tái định cư thì phải xem xét giải quyết cho các hộ có nhu cầu về nhà ở được bán, cho thuê mua căn hộ chung cư hoặc nhà ở xã hội. Phương án 3 giống như phương án 1 nhưng không có điều kiện “không làm thay đổi phát sinh thêm giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Sở NN-MT đề nghị được thực hiện phương án 2 vì phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Trên cơ sở kiến nghị của Sở NN-MT, ngày 13-1-2025, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản truyền đạt ý kiến của lãnh đạo thành phố giao Sở Tư pháp nghiên cứu. Ngày 24-1-2025, Sở Tư pháp có văn bản kiến nghị UBND TPHCM giao Sở NN-MT phân tích rõ các trường hợp tặng cho, chuyển nhượng sau ngày 1-7-2014 không phù hợp với quy định pháp luật, trong đó cân nhắc chỉ xem xét lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ các trường hợp chủ cũ đã chết, không liên lạc được, hoặc không phối hợp thực hiện lập hồ sơ theo đề xuất ở Sở NN-MT… Thế nhưng, sau khi nghiên cứu ý kiến của Sở Tư pháp và đối chiếu quy định, Sở NN-MT vẫn chưa thể hướng dẫn UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện.

Tin cùng chuyên mục