Ngày 18-2, Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến khẳng định, việc di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo (tại công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1) là theo kế hoạch, nhằm trang trí lại khu vực. Việc này cũng nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân và du khách.
Theo bà Yến, việc thờ phụng ở công viên và nơi công cộng là chưa phù hợp với tâm linh của người Việt nên quận đã đưa lư hương vào Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1) để việc thờ phụng, dâng hương, dâng hoa được trang nghiêm hơn, đúng vị trí hơn.
“Một số người cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm nhưng quan điểm của quận thì đây là việc rất bình thường và được nhiều bà con ủng hộ”, Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến bày tỏ.
Được biết, công việc di dời lư hương đã được hoàn thành vào ngày 17-2. Dự kiến ngày 16 tháng Giêng (ngày 20-2), lư hương sẽ được đặt vào đúng vị trí ở Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Trong khi đó, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) cũng khẳng định, việc di dời lư hương tại công trình tượng đài Trần Hưng Đạo là việc bình thường, thực hiện theo kế hoạch đã có trước đó.
Cụ thể, cuối tháng 7-2018, UBND quận 1 có văn bản xin chủ trương sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng trên địa bàn quận 1.
Ngày 15-1-2019, UBND quận 1 được giao thực hiện việc tu sửa, tôn tạo công trình tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng.
Sở VH-TT cũng được giao chủ trì, phối hợp, hướng dẫn về chuyên môn trong việc tu sửa, tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng theo quy định.
“Công trình tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng hiện đã xuống cấp nên việc tu sửa, tôn tạo là cần thiết”, đại diện Sở VH-TT thông tin thêm với PV Báo SGGP vào chiều 18-2. Theo Sở VH-TT, việc này là vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo cảnh quan.
Tại khu vực này, không gian khá hẹp nên không thuận tiện cho việc đặt lư hương, thắp hương. Do đó, việc quận 1 di dời lư hương về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo là phù hợp, đảm bảo tính tôn nghiêm, trân trọng và thành kính.
Mặc khác, trên địa bàn TPHCM có nhiều hình thức tôn thờ đối với các vị anh hùng của dân tộc. Đối với Đức thánh Trần Hưng Đạo, ngoài tượng đài (ở quận 1 và một số quận khác) còn có việc đặt tên đường Trần Hưng Đạo (đi qua địa bàn quận 1, quận 5).
Đặc biệt là Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (tại số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1). Ở đây, bên cạnh tượng đài, đền thờ còn có Nhà trưng bày lịch sử thời Trần cũng như về con người và sự nghiệp của Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Theo Sở VH-TT, tượng đài Trần Hưng Đạo tại Công trường Mê Linh (quận 1) được xây dựng trước năm 1975, bằng bê tông cốt thép - là chất liệu không bền vững. Tượng cao 4m, đứng trên bệ hình tam giác cao 12m, ốp đá màu nâu. 3 mặt đế tượng có 6 mảng phù điêu diễn tả các trận tiêu diệt giặc ngoại xâm. Hiện nay tượng đã xuống cấp.
Tương tự, tượng đài Thánh Gióng tại vòng xoay ngã 6 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1 (thường gọi là ngã 6 Phù Đổng) cũng được xây dựng trước năm 1975, bằng chất liệu bê tông. Tượng đài và bệ tượng này cao 6m, lâu nay đã được quét sơn nhiều lần nhưng hiện cũng đã xuống cấp.
Mặc dù tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng có quá trình lịch sử hình thành gắn bó với người dân TPHCM, nhưng chưa được xếp hạng di tích và cũng không thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TPHCM (theo Quyết định 923/2017 của UBND TPHCM). Chính vì vậy, Sở VH-TT không quản lý tượng đài, khuôn viên và hạ tầng tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng nói riêng và nhiều tượng, tượng đài khác trên địa bàn TPHCM.
Trước sự xuống cấp của một số tượng đài, Sở VH-TT cũng kiến nghị UBND TP bố trí nguồn ngân sách của thành phố để tu sửa, tôn tạo các công trình tượng đài. Trước kiến nghị này, giữa tháng 1-2019, UBND các quận - huyện được giao thực hiện việc quản lý, khảo sát, kiểm định và tu sửa, tôn tạo các công trình tượng đài trên địa bàn.