Trong đó, hồ Tả Trạch có lưu lượng đến hồ 1.947m3/s (lưu lượng về lớn nhất 4.992m3/s, lúc 19 giờ ngày 14-11), lưu lượng về hạ du 1.930m3/s; hồ thủy điện Hương Điền có lưu lượng đến hồ 2.707m3/s, lưu lượng về hạ du 1.519m3/s. Hồ thủy điện Bình Điền lưu lượng về hạ du 1.720m3/s.
Lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với mưa lớn ở hạ du khiến TP Huế và các huyện, thị vùng ven tiếp tục ngập sâu trong lũ. Trong khi đó, lũ sông Hương hiện vượt báo động III là 0,66m. Sông Bồ dưới báo động III là 0,24m.
Công an TP Huế nỗ lực vượt lũ đưa sản phụ đi sinh và người già đi cấp cứu vào sáng 15-11 |
Cùng với quốc lộ 1A, đoạn qua xã Lộc Trì, huyện Phú lộc ngập 0,3-0,35m khiến giao thông đi lại khó khăn, hàng trăm tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã và các trục đường nội đô ở TP Huế đều ngập sâu. Một số điểm ngập sâu cục bộ cả mét, nước buộc lực lượng chức năng phải dựng biển cấm đường.
Các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và TP Huế phải di dời khẩn cấp 2.280 người dân vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Hiện các lực lượng vũ trang đang được huy động tối đa, phối hợp cùng chính quyền các địa phương khẩn trương giúp dân ứng phó với mưa lũ đang diễn biến phức tạp.
Quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế ngập sâu cục bộ khiến giao thông đi lại khó khăn |
Sáng 15-11, Công an phường An Cựu và phường Vỹ Dạ, TP Huế đã dùng xuồng máy ứng cứu một số trường hợp khẩn cấp đến bệnh viện. Trong đó, có 2 sản phụ trở dạ và một cụ già đi cấp cứu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, các hoạt động của Tuần lễ chuyển đổi số dự kiến khai mạc vào ngày 16 và 17-11 phải tạm hủy do tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp.
>> Hình ảnh cuộc sống người dân TP Huế bị đảo lộn vì mưa lũ
* Khánh Hòa chủ động ứng phó trước tình hình mưa lũ lớn
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn gửi các đơn vị, địa phương chỉ đạo chủ động ứng phó với mưa lũ lớn trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo bản tin ngày 14-11 của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ, dự báo từ ngày 14 đến 17-11, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi rất to kèm theo dông; mưa lớn sẽ còn tiếp tục trong 2 ngày 15 và 16-11, sau đó giảm dần. Tổng lượng mưa toàn đợt các nơi phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi hơn 300mm.
Khánh Hòa có mưa lớn trong nhiều ngày |
Để chủ động triển khai ứng phó với mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực trũng thấp, ngập lụt... để chủ động thực hiện các phương án ứng phó, sơ tán người đến nơi an toàn.
Rà soát, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi có mưa lũ; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn tại các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn cho người dân; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bảo đảm cung cấp cho các khu vực có nguy cơ bị cô lập, chia cắt do mưa lũ; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực xung yếu để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn rà soát phương án, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến mưa lũ, tính toán lưu lượng nước về hồ để điều tiết hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế gây ngập lụt ở vùng hạ du.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.