Thế giới không ngừng ứng dụng công nghệ
Ở các quốc gia khác, việc khai thác bảo tàng hay sản phẩm văn hóa hết sức đa dạng. Bảo tàng Staedel.Frankfurt (Đức) đã số hóa được gần 25.000 hiện vật, xây dựng được trên 100 bộ phim kỹ thuật số phát trên mạng xã hội và nhờ đó số người đến tham quan tại đây đã tăng gấp hơn 2 lần. Hay Viện Malacca (Malaysia) với hơn 24 bảo tàng trưng bày trên 26.000 hiện vật… đã sử dụng công nghệ tra cứu trên mỗi hiện vật giúp công chúng có thể tra cứu thông tin nhanh chóng, dễ dàng dù ở bất cứ nơi đâu, vào thời gian nào.
Khai thác giá trị của cổ vật, bảo tàng hay sản phẩm văn hóa với mục tiêu thúc đẩy kinh tế số đang là xu hướng hiện nay. Bảo tàng Hà Nam (Trung Quốc) đã bán các bản sao của các hiện vật khảo cổ thông qua hộp mù (museum blind box). Bên trong các hộp mù là bản sao của các cổ vật như chuông đồng thời nhà Chu, tượng ngọc bích có niên đại 2 thiên niên kỷ… Từ tháng 12-2020 đến tháng 11-2021, Bảo tàng Hà Nam đã phát hành hơn 100 bộ museum blind box khác nhau và thu được 4,7 triệu USD.
KONOUZ là công ty được Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập ủy quyền sản xuất và kinh doanh quà tặng du lịch. Mỗi sản phẩm là bản sao chính xác từ các cổ vật, đi kèm với giấy chứng nhận từ Bộ Du lịch Ai Cập, giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và di sản văn hóa của Ai Cập. KONOUZ đã sản xuất khoảng 6.400 sản phẩm trong giai đoạn vận hành thử nghiệm… là những mặt hàng được yêu cầu nhiều nhất (EgyptToday). Đây là một phần trong chiến lược phát triển bền vững của Ai Cập nhằm tăng cường khai thác giá trị di sản văn hóa và đáp ứng nhu cầu du lịch cũng như kinh tế số.
Việt Nam đã có những đơn vị tiên phong
Tại Việt Nam, việc số hóa điểm di tích, bảo tàng, cổ vật đã được ứng dụng nhiều nơi. Bảo tàng Lịch sử TPHCM đã ứng dụng robot Batalis để giới thiệu các thông tin về bảo tàng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa ra ứng dụng iMuseum - thuyết minh đa phương tiện thay thế hướng dẫn viên. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã tái hiện không gian qua ứng dụng công nghệ 3D, âm thanh và ánh sáng…
Nổi bật gần đây là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã kết hợp với startup công nghệ Phygital Labs định danh số cho 10 cổ vật triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Những cổ vật đã được lựa chọn để định danh là các cổ vật tiêu biểu, đặc trưng của vua quan nhà Nguyễn như: ngai, kiệu, hia (đồ ngự dụng trong sinh hoạt và lễ nghi), cành vàng lá ngọc (dùng để trang trí nội thất), hay bộ xăm hường (thú tiêu khiển)… Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cùng Phygital Labs còn tiếp tục triển lãm cổ vật trên metaverse, là triển lãm văn hóa số metaverse đầu tiên tại Việt Nam, tích hợp Apple Vision Pro.
Hay với vật phẩm tượng Nghê đồng Văn Miếu có gắn chip định danh, là kết quả của dự án “Tầm Chân” do Trung tâm Thông tin UNESCO (UNET) và Phygital Labs thực hiện. Bằng việc dùng smartphone tương tác với chip gắn ở tượng Nghê đồng Văn Miếu, người dùng sẽ truy cập được toàn bộ thông tin về tượng Nghê đồng như chủ sở hữu, lịch sử, nguồn gốc... Đã có hàng trăm người sở hữu tượng Nghê Văn Miếu gắn chip cùng giải pháp công nghệ Nomion.
Bằng giải pháp công nghệ định danh số Nomion của startup Phygital Labs, cổ vật của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tạo thêm nhiều giá trị, đó là phiên bản số và khách tham quan hay người có nhu cầu có thể mua cổ vật phiên bản F1 cùng phiên bản số… Trong tương lai, hai đơn vị này còn hướng đến khai thác không gian triển lãm metaverse, là triển lãm văn hóa số metaverse đầu tiên tại Việt Nam, tích hợp Apple Vision Pro… mở ra loại hình dịch vụ mới mẻ ở không gian số.
Phygital Labs với giải pháp công nghệ Nomion gắn chip trên cổ vật, mã hóa dữ liệu, tạo thêm một phiên bản số cho cổ vật. Công nghệ này đảm bảo sự độc bản và liên kết 1-1 giữa phiên bản vật lý và phiên bản số. Như vậy cổ vật của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế hay tượng Nghê đồng Văn Miếu đã được định danh bằng công nghệ Blockchain, được chứng thực sở hữu và cũng từ đây tạo ra tài sản số từ tài sản thật.
Sự hợp tác nói trên mở ra hướng gia tăng các giá trị, khai thác kinh tế số ở lĩnh vực văn hóa, bảo tàng, cổ vật... là hướng phát triển tiếp theo khi mà bảo tàng, cổ vật, vật phẩm văn hóa đã qua “hành trình” số hóa và có lẽ đây là mục tiêu mà Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nhắm đến.
Cả nước hiện có 147 bảo tàng, trong đó 36 bảo tàng của bộ ngành, 83 bảo tàng ở tỉnh, thành phố và 4 bảo tàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý đang từng bước số hóa và nếu ứng dụng các công nghệ mới hay công nghệ định danh số như Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã làm, mở ra những hướng dịch vụ mới, là hướng khai thác kinh tế số của ngành này.
“Ứng dụng công nghệ định danh số của Phygital Labs cho các cổ vật, vật phẩm… và từ đó tạo ra tài sản số được chính đơn vị quản lý chứng thực là mục tiêu theo đuổi của chúng tôi. Giải pháp công nghệ Nomion cũng được dần mở rộng sang các lĩnh vực, thị trường khác nhau nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra sản phẩm số trên sản phẩm thực và sản phẩm này hứa hẹn đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế số trong thời gian tới”, ông Nam Đỗ, Giám đốc Công nghệ Phygital Labs cho biết.