Nước Nhật hiện đang rất khuyến khích các sinh viên khu vực Đông Nam Á đến du học, mục đích là nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực này.
Theo thống kê của Bloomberg, trong số các quốc gia Đông Nam Á, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật đang nằm ở tốp đầu. Chỉ tính riêng số du học sinh tại các trường ngoại ngữ, con số này đã tăng 12 lần trong vòng 6 năm (tính đến tháng 5-2016), ở mức 54.000 người. Số du học sinh Việt Nam tại Nhật đã chiếm gần 1/4 trong tổng số các sinh viên, học sinh quốc tế. Số lượng này chỉ đứng sau Trung Quốc, hiện đang chiếm mức 41%.
Làn sóng các công ty Nhật đổ về Việt Nam đầu tư trong thời gian qua đã góp phần đưa số lượng du học sinh Việt Nam đến xứ hoa anh đào ngày càng gia tăng. Lý do nằm ở chi phí du học hợp lý, cơ hội làm việc rộng mở và quan trọng hơn là còn nằm ở văn hóa kỷ luật trong công việc lẫn trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, vẫn có những bạn trẻ khi đến Nhật lại lao vào tìm việc làm thêm thay vì tập trung cho việc học. Họ quan niệm rằng, việc đi làm thêm giúp họ kiếm một phần sinh hoạt phí, nhưng làm thêm còn là một cơ hội tốt để tìm hiểu xã hội, con người Nhật Bản.
Điều này chỉ đúng ở một khía cạnh nhỏ, bởi khi quá tập trung quá vào việc làm thêm, bạn dễ bỏ bê việc học hành, dẫn đến một kết quả học tập không tốt. Đó là chưa kể đến việc có một số người làm những công việc nguy hiểm. Cũng vì lẽ này mà lời khuyên từ những thế hệ du học sinh đi trước dành cho lớp đàn em luôn là phải xác định nên tập trung cho việc học thay vì lo tìm việc làm thêm, bởi luật pháp Nhật không cho phép sinh viên làm quá giờ theo quy định.
Du học vốn không phải là thiên đường. Bạn cần phải xác định rõ điều này khi đến sinh sống tại một quốc gia không nói ngôn ngữ của mình. Có nhiều bạn trong suốt thời gian du học đã chọn cách sống với một gia đình người Nhật thay vì sống trong ký túc xá của trường. So với nhà thuê ở ngoài, thì ký túc xá chật chội hơn, nhiều trang thiết bị phải sử dụng chung, nhưng tiền nhà ở ký túc xá lại rẻ hơn rất nhiều so với bên ngoài; ở trong ký túc xá còn có thể kết bạn với nhiều sinh viên người Nhật cũng như sinh viên nước ngoài cùng sống chung ký túc xá. Với những bạn sống với người bản địa, qua cách sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống, họ lại có thể nâng cao được năng lực tiếng Nhật và học hỏi được rất nhiều điều về văn hóa, sinh hoạt của người Nhật.
Nói về câu chuyện du học ở nước Nhật, chị Nguyễn Thu Thủy, một cựu du học sinh từng theo học ngành quản lý khách sạn tại Nhật, chia sẻ với quan niệm đi là để trưởng thành hơn, chị quyết định đến Nhật du học sau 2 năm làm việc ở Việt Nam. Hai năm học tập ở nước Nhật đã giúp chị hiểu thêm về đất nước Nhật Bản. Trường học ở Nhật không chỉ là nơi giúp có thêm kiến thức trong sách vở mà còn hỗ trợ học sinh, sinh viên các kỹ năng cần thiết trong công việc và tinh thần trách nhiệm trong làm việc. Trở về nước, chị đã dễ dàng chọn được một công việc phù hợp với khả năng của mình.