Di cư vì biến đổi khí hậu

Theo dự báo của các chuyên gia, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng làn sóng di cư từ Trung Mỹ sang Mexico và Mỹ. Hiện tượng này gây ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng tại biên giới giữa các quốc gia trong nhiều tháng qua.

Phân tích của các chuyên gia chỉ ra rằng, sự kéo dài của các đợt hạn hán diễn ra trong hơn 20 năm, cũng như việc khu vực chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau những tác động tàn phá của bão Iota và Eta vào tháng 11-2020 ngay giữa đại dịch Covid-19, sẽ khiến nguy cơ thiếu đói ngày càng trầm trọng.

Di cư vì biến đổi khí hậu ảnh 1 Người di cư chờ xin tị nạn ở Mỹ
Điều này cùng với các yếu tố khác như bạo lực, mất an ninh, khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội chính là động lực thúc đẩy di cư bất thường tại Trung Mỹ. Trả lời phỏng vấn của nhật báo Mexico El Universal, bà Daniela Picon, điều phối viên tổ chức di cư Casa del Migrante Betania hoạt động tại bang Peten, Bắc Guatemala (giáp biên giới với Mexico), cho biết, các thảm họa thiên nhiên xảy ra vào năm 2020 khiến nhiều người quyết định di cư toàn bộ gia đình, do mất mùa và đất đai không còn khả năng canh tác. 

Ông Luis Jimenez, nhà nghiên cứu đạo đức sinh học và các hệ thống sản xuất nông nghiệp nhiệt đới bền vững, Phó Chủ tịch Viện Nhân quyền liên Mỹ ở Costa Rica, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra dày đặc hơn, với cường độ lớn hơn do biến đổi khí hậu. Chuyên gia này nhận định, người dân không còn cách nào khác là phải di cư đến nơi an toàn hơn, đồng thời cho rằng đây không phải lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng di cư.

Theo ông Jimenez, các quốc gia thuộc tam giác Bắc Trung Mỹ (Guatemala, Honduras và El Salvador) phải đối mặt với các vấn đề về lương thực, chính trị, xã hội, giáo dục do thiếu các biện pháp phòng ngừa và quản lý hiệu quả nguồn đất, nước. Đại dịch Covid-19 là “giọt nước làm tràn ly”. Đồng quan điểm trên, Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) mới đây cũng cảnh báo, các nước Bắc Trung Mỹ đang phải đương đầu với nhiều yếu tố mất an ninh lương thực song song và đan xen chặt chẽ. Theo FAO, đặc điểm chung của các quốc gia này là tỷ lệ nghèo đói cao, những “cú sốc” khí hậu khắc nghiệt, hạn chế trong tiếp cận dịch vụ cơ bản, bất ổn kinh tế và năng suất nông nghiệp hộ gia đình thấp. Những yếu tố trên tạo cơ sở cho các mô hình di cư bất thường. 

FAO và Chương trình Lương thực thế giới đã đưa ra cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong khu vực đòi hỏi “một phản ứng khẩn cấp”. Để hỗ trợ khẩn cấp cho nửa triệu người Trung Mỹ phải sống trong điều kiện bấp bênh, FAO đã huy động một khoản ngân sách 38 triệu USD nhằm phục hồi sinh kế dài hạn, khôi phục năng lực nông nghiệp và cơ sở hạ tầng cho khu vực. Một mục tiêu khác là tăng cường sinh kế có khả năng phục hồi dựa vào nông nghiệp, đặc biệt là tại những vùng đã bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng do bão lũ, hạn hán. Theo tổ chức này, Trung Mỹ đang đứng giữa “ngã tư của những cú sốc khí hậu tái diễn”. Tình hình càng trở nên phức tạp trong bối cảnh suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, với tình trạng nghèo đói kéo dài chưa từng thấy, bất bình đẳng cao, bạo lực và di cư bất thường.

Tin cùng chuyên mục