Trước Grab, ở Việt Nam đã có nhiều nhóm bạn trẻ lập ra các trang web “đi chung xe” kêu gọi mọi người đi chung để tiết kiệm chi phí, năng lượng, bảo vệ môi trường và đặc biệt chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Tuy chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng theo nhiều chuyên gia về giao thông, chắn chắc đây sẽ là xu hướng vận tải của tương lai.
Cũng dễ hiểu tại sao các chuyên gia lại nhận định như vậy. Bởi lẽ hiện nay các vấn nạn về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội đã trở nên quá sức chịu đựng của người dân. Các giải pháp để xử lý vấn nạn này như làm thêm đường, xây thêm cầu… không thể giải quyết dứt điểm vấn đề. Cầu, đường làm mới càng nhiều thì càng có thêm xe mới. Chưa kể, cách sử dụng các phương tiện giao thông ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng, theo nhiều chuyên gia về giao thông, rất lãng phí.
Cách đây chưa lâu, Sở GTVT TPHCM đã có một thống kê, chỉ hơn 50% xe taxi của thành phố đạt được khoảng 50%/km vận doanh (đoạn đường đi lại) có khách; hầu hết xe gắn máy 2 bánh chỉ có… 1 người. Còn xe buýt, mặc dù đã được thành phố tập trung đầu tư, đổi mới phương tiện và đổi mới phong cách phục vụ, song nhiều xe khi lăn bánh mới đầy khoảng 30%-40% chỗ ngồi.
Chính trong bối cảnh này, các giải pháp sử dụng hiệu quả hơn về phương tiện giao thông nên được khuyến khích. Đặc biệt, đối với taxi truyền thống nên chăng nghiên cứu áp dụng thêm hình thức này để tăng hiệu quả hoạt động và giảm chi phí cho khách hàng. Đây có thể sẽ là một trong những hướng ra cho loại hình vận tải này trước sức ép cạnh tranh khốc liệt của các loại hình vận tải mới có áp dụng hệ thống công nghệ điện tử vào quản lý và điều hành. Về phía ngành chức năng, nên có chương trình vận động người dân đi chung xe, trước hết là các loại xe gắn máy 2 bánh. Hãy bắt đầu từ những việc hết sức thiết thực và cụ thể để từng bước giải quyết căn cơ hơn tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên vốn đang cạn kiệt như xăng, dầu…