Khi còn công tác trên Cao Bằng, tôi có nhiều lần được tới thăm hang Pác Bó. Đây là nơi ở của Bác Hồ vào mùa xuân năm 1941 khi Người từ Trung Quốc về nước lãnh đạo toàn dân làm cách mạng. Hang đá đơn sơ ở nơi thường có gió núi lùa lạnh buốt đã làm mái nhà che cho Bác. Chiếc giường nẹp bằng cây cối của rừng là nơi đỡ lưng Bác những lúc Người nghỉ ngơi. Sau ngày Bác mất, nhớ ơn Bác, con cháu đã xây 79 bậc đá cho người hành hương lên nơi hang đá Bác ở thuở cháo bẹ rau măng.
Mỗi lần lên Pác Bó, tôi thường đứng rất lâu cạnh cây ổi rừng cao hơn đầu mình, mọc gần bờ suối, tương truyền thuở ở đây Người thường lấy lá sắc nước uống ngày ngày. Mỗi lần lên Pác Bó tôi cũng không quên đến bên chiếc bàn đá tự nhiên có chỗ ngồi bằng đá ở dưới bóng cây xanh cũng ở ngay bên suối. Nơi đây Bác thường ngồi làm việc.
Sau này, tôi chuyển công tác về xuôi. Dù qua nhiều những cánh rừng khác nhau, cả những non cao vực thẳm nữa của nhiều vùng đất nước, ở đâu có núi là có cây, có suối. Trước những bạt ngàn thảo mộc, những khu rừng do thiên nhiên ươm trồng mọc bên những mỏm đá, dòng suối chảy tôi hay hoài cảm và biết ơn vô cùng về lòng đôn hậu của đất trời đã cho con người nguồn tươi trẻ ấy. Tôi cũng không sao quên được những nguồn cây, nguồn sống của thảo mộc ở nơi đầu nguồn Pác Bó. Nơi mùa xuân bắt đầu từ lá…
Cây xanh tự rừng đá xếp thành non. Lẽ là vậy. Sự nhân định tích cực về thiên nhiên bao giờ cũng giúp cho thiên nhiên hoàn thiện hơn và phong phú hơn. Tuy chỉ là nhành cây ngọn cỏ thôi nhưng nếu mặt đất này thiếu cái màu xanh biếc ấy, sẽ thiếu đi sự sống.
Tôi vẫn ngày ngày đi quanh công viên Thống Nhất - Hà Nội, vẫn ngày ngày đi dưới bóng đa xanh Bác trồng ở chốn nghỉ ngơi thư giãn của người thủ đô. Cây đa ấy Người trồng từ mùa xuân năm 1960, bây giờ đã như một mái nhà lớn lợp bằng màu xanh của lá. Cách trung tâm TP Hà Nội mấy chục kilômét trên đồi cây Vật Lại cũng đã um tùm một màu đa xanh Bác trồng trước ngày Người đi xa. Có gì đó như niềm tiên lượng, mối dự cảm cho sự ra đi theo thiên mệnh mà Người đã trồng cây này dưới bóng cao non Tản hùng vĩ, đỉnh núi Thánh của dân tộc. Cây đa ấy ngày mỗi lớn, ngày mỗi xanh. Nhà thơ Ngô Quân Miện, người con của Ba Vì, trước cây đa Bác trồng đã cảm xúc gọi đây là Di chúc màu xanh - một liên tưởng cảm động về tấm lòng như non cao, bể rộng của Bác.
Hôm nay, đã hơn 40 năm Bác Hồ đi xa nhưng Người đã để lại cho dân tộc cả một thời đại mang tên Người. Tất cả mọi công việc Người làm dù là những năm tháng ở nước ngoài hay về nước cùng toàn dân đánh giặc đều mang tầm vóc một vĩ nhân. Nghĩ về Người, trong cái bao la của một nhân cách lớn, tôi thường cảm nhận về màu xanh những vườn cây, rừng cây đất nước. Tôi nghĩ về những gì con người đã làm được cho mùa xuân của mỗi đời mình. Mùa xuân ấy bắt đầu từ lá.
Phan Quế