Là cái tên quen thuộc trong làng báo, làng xuất bản cả nước, cách nay hơn 30 năm, khi còn là một sinh viên, tác giả Dương Thành Truyền đã gây chú ý với một công trình ngôn ngữ học đặc biệt, phân tích và chứng minh tấm gương mẫu mực về lao động ngôn từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các bản di chúc của Người. Hơn 30 năm sau, cùng với những tư liệu mới, tác giả đã hoàn thiện công trình nghiên cứu để giới thiệu đến bạn đọc.
GS-TS Nguyễn Đức Dân, một cây đại thụ của ngành ngôn ngữ học Việt Nam nhận xét: “Qua những dẫn liệu cụ thể, tác giả đã chứng minh một cách sinh động tấm gương lao động ngôn từ mẫu mực của Bác Hồ: cẩn trọng sửa đi sửa lại, công phu trong từng chữ, từng lời, từng đoạn kết nối nhau theo một trật tự logic chặt chẽ nhằm đến cách diễn đạt trong sáng, giản dị nhất có thể mà lại hiệu quả tối đa. Những bình luận phát hiện xác đáng đầy thuyết phục của tác giả về những điểm sửa đổi trong di chúc giúp bạn đọc thấy được những ý tứ tinh tế, sâu sắc trong ngôn ngữ Bác Hồ và di chúc trở thành một văn bản toàn bích, một giáo trình tiếng Việt độc đáo”.
Toàn bộ tác phẩm được chia làm ba phần, ngoài ra còn có phần mở đầu gồm ảnh chụp toàn bộ bút tích Di chúc của Bác được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam công bố vào dịp 2-9-1989.
Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo là một tác phẩm nghiên cứu về ngôn ngữ thuần túy. Tác giả hoàn toàn dựa trên lý luận về ngôn ngữ học để chứng minh về sự cẩn trọng, nghiêm túc của Bác Hồ khi thực hiện di chúc. Điều này thể hiện rõ qua kết cấu của tác phẩm. Ở phần một có tên gọi “Trên từng trang bản thảo”, tác giả tập trung vào từng trang bản thảo, phân tích từng cụm từ, câu văn, từ các chữ viết hoa cho đến việc lựa chọn các từ ngữ thay thế… Phần hai có nhan đề “Bốn năm không ngừng”, phân tích sự thay đổi, lựa chọn cách sắp xếp cấu trúc văn bản, ngôn từ của Bác qua tổng thể các bản di chúc được Bác liên tục chỉnh sửa trong suốt 4 năm, từ 1965 -1969.
Ở phần kết luận, NGƯT Trần Chút đánh giá: “Đọc Di chúc trong những bản thảo viết tay, dừng lại và chăm chút vào những chữ, những đoạn, những dòng đảo lên chuyển xuống, xóa đi chữa lại, lược bớt thêm vào, chúng ta nhận biết quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo lập và hoàn thiện một văn bản. Đó là quá trình lao động ngôn từ đầy cẩn trọng, công phu và trách nhiệm. Một bài học lớn, một tấm gương sáng. Tôi tin đây cũng chính là thông điệp mà tác giả của cuốn sách Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo mong muốn gửi đến bạn đọc.