“Nay bà con ăn gì, chúng tôi mua giúp”
Hơn 1 tháng nay, chị Lê Thị Lành, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường 4, quận 6 và các chị trong hội vô cùng bận rộn. Ngoài các hoạt động chăm lo, tặng quà, các chị còn tất bật với công việc đi chợ giúp người dân tại các khu các ly, phong tỏa trên địa bàn.
“Người nhờ đi chợ giúp chủ yếu là người lớn tuổi, khuyết tật, các gia đình trong khu cách ly không thể ra ngoài mua đồ”, chị Lành cho biết. Thông qua số điện thoại gửi đến nhà dân, từ 20 giờ hôm trước các chị nhắn “Nay bà con ăn gì, chúng tôi mua giúp”. Người dân gửi danh sách các mặt hàng cần mua, các chị nhận đơn rồi phân công nhau sáng hôm sau đến các siêu thị chọn hàng và giao đến tận nhà dân.
Ngoài ra, Hội LHPN quận 6 còn uyển chuyển liên hệ với tiểu thương, hệ thống siêu thị để gửi số điện thoại bán hàng online đến người dân, nhằm giúp người cần có thể mua hàng kịp lúc.
Không chỉ tại quận 6, phụ nữ nhiều nơi tại TPHCM cũng thực hiện mô hình đi chợ giúp dân. Tại TP Thủ Đức, phụ nữ các phường đều tổ chức đi chợ giúp người dân trong những ngày giãn cách.
Theo bà Trần Thị Hoài Thu, Chủ tịch UBND phường Tăng Nhơn Phú A, điều đáng quý là các chị tham gia mô hình này rất nhiệt tình và tích cực. Có khi phải chạy đi chạy lại rất nhiều lần để kịp mua thuốc cho người dân, nhưng ai cũng vui vẻ hỗ trợ. Hay từ 8-11 giờ hàng ngày, UBND phường Tân Thuận Đông (quận 7) cũng nhận đi chợ giúp dân qua đường dây nóng 0969449320.
Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn sản xuất và nhất là trong lúc nhiều chợ truyền thống đóng cửa, Công đoàn một công ty chuyên về thủy hải sản tại quận Bình Tân đã thực hiện chương trình “Đưa chợ vào công sở”. Theo đó, từ chiều hôm trước, công đoàn gửi danh sách và giá các mặt hàng đến từng phòng ban, tổ sản xuất để người lao động đăng ký. Hôm sau, khi tan ca, hàng cần mua sẽ được trao đến tay công nhân.
Điều đặc biệt, hàng đưa đến công nhân đều được chọn kỹ, nếu là hàng của công ty thì sẽ được giảm giá 25%. Nhờ cách làm này, bữa cơm người lao động có đủ thịt, cá, rau trong điều kiện giãn cách xã hội. Hay Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng (TP Thủ Đức) cũng tổ chức chợ tạm ngay trong nhà máy mỗi ngày 3 đợt theo giờ tan ca để người lao động tiện mua sắm và phòng dịch Covid-19.
“Trong thời điểm giãn cách xã hội, mua hàng bên ngoài cũng khó nên việc công ty tổ chức chợ tạm thế này rất hữu ích cho người lao động”, chị Trần Thị Thúy vừa chọn mua ít rau từ quầy, chia sẻ.
Hành động đẹp trong mùa dịch
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình (ngụ quận 1) cho biết, chồng là F2 phải cách ly tại nhà, chị lại chăm con nhỏ nên không tiện đi mua thực phẩm. Vợ chồng chị là lao động tự do, làm ngày nào chi tiêu ngày đó nên không đăng ký tài khoản ngân hàng. Dịch phải ở nhà, chị không thể đặt đồ online. May mắn biết dịch vụ đi chợ giúp dân của Quận đoàn 1, chị gọi đến đường dây nóng, nhờ các bạn đoàn viên thanh niên hỗ trợ. Mấy tiếng sau, chị Bình đã có đủ thực phẩm để sử dụng trong 4 ngày.
Mặc dù, nguồn hàng thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở TPHCM… vẫn đảm bảo, nhưng thực tế nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc mua hàng, cả online hoặc trực tiếp. Nguyên do đi trực tiếp thì phải giãn cách, siêu thị nhỏ chỉ cho 5 người vào, mất thời gian chờ đợi và khó đảm bảo nguyên tắc 5K. Còn đặt online thì nhiều người không được nhận đơn.
Mình cũng thông cảm cho nhân viên siêu thị. Họ vừa bán trực tiếp, vừa nhận và soạn đơn online, rất vất vả. Nhất là siêu thị ở các khu bị phong tỏa, lượng người đặt online rất đông, siêu thị làm không xuể. Vì vậy, việc các tổ chức đoàn, hội đứng ra nhận đơn hàng đi chợ giúp người dân là rất quý”, anh Trương Thành Đạt (ngụ phường Đa Kao, quận 1) chia sẻ.
Theo Bí thư Quận đoàn 1 Trần Đỗ Nam Long, mô hình “Thanh niên tình nguyện đi chợ giúp dân” ra đời từ giữa năm 2020, khi Chỉ thị 16 triển khai trên cả nước. Nhận thấy nhu cầu thực sự cần thiết của người dân, nhất là người yếu thế, neo đơn, Quận đoàn tổ chức duy trì cho đến nay. Đây cũng là cách để tiếp sức cho các siêu thị khi nhiều người dân không thể tiếp cận được kênh mua sắm này.
Theo anh Long, để hỗ trợ tốt nhất cho người dân, ngoài lực lượng đi chợ trực tiếp, Quận đoàn 1 còn liên kết với Đoàn thanh niên của Satra, Co.opmart. Khi tiếp nhận yêu cầu của người dân, Quận đoàn sẽ phân luồng đơn hàng về các siêu thị liên kết, sau đó tình nguyện viên giao cho người dân. Vào lúc cao điểm, siêu thị báo không tiếp nhận được đơn thì tình nguyện viên sẽ trực tiếp đi chợ.
“Có nhiều đơn hàng, tình nguyện viên phải đi mấy siêu thị mới gom đủ nhưng mọi người đều làm việc rất trách nhiệm, nhiệt tình”, anh Long cho biết.
Hiện Quận đoàn 1 triển khai 3 kênh để người dân đăng ký hỗ trợ. Ngoài đăng ký qua ứng dụng Gobus-go away Covid, fanpage Tuổi trẻ Quận 1, người dân có thể gọi qua đường dây nóng 028.3825.1861 (sau đó nhấn phím 0). Hỗ trợ viên sẽ tiếp nhận đơn và chuyển đến tình nguyện viên phụ trách địa bàn. Đối với hàng tươi sống sẽ giao tận tay người dân trong vòng 2 giờ, các thực phẩm khác được giao trong ngày hoặc theo yêu cầu. |