Được thực hiện bởi Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, cuộc khai quật tiến hành từ cuối tháng 3-2024, với tổng diện tích hơn 6.000m2.
Tại đây, các nhà khảo cổ học đã mở 60 hố nghiên cứu, mỗi hố có diện tích 100m². Bước đầu đã có những phát hiện quan trọng.
Bên trong di tích là dấu tích các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn. Sườn ngoài của di tích là nơi chôn cất người chết, ở góc Tây Bắc mật độ chôn cất rất cao tạo thành một bãi mộ tiền Đông Sơn nằm tập trung với ít nhất hai giai đoạn cắt phá nhau. Khả năng di tích được hình thành trong giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, là lớp cư dân đầu tiên đến cư trú ở khu vực này.
Hiện tại, đã phát hiện hơn 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn, chia thành 2 giai đoạn mộ Đông Sơn sớm và mộ Đông Sơn muộn.
Trong đó, một đặc điểm quan trọng là mộ táng tiền Đông Sơn có tục nhổ răng cửa ở người trưởng thành nhưng đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn thì không còn thấy tục lệ này.
Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam.
Kết quả khai quật đã bước đầu nhận diện khả năng người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài tương tự như những ngôi nhà dài của một số tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên vẫn còn sử dụng cho đến gần đây.
Phát hiện này mở ra triển vọng mới về việc tìm hiểu kiến trúc nhà ở thường nhật trong một ngôi làng Việt cổ thời Đông Sơn, cũng như cách thức bố trí không gian cư trú trong làng.
Những kết quả khai quật - nghiên cứu đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ hiện vật về sự có mặt của con người từ rất sớm trên khu vực Hà Nội ngày nay. Hơn nữa, còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử các nhóm người dân tộc Việt từ thời tiền sơ sử, chứng minh rõ dần thời đại “Hùng Vương dựng nước” bằng các chứng cứ khảo cổ học.
Trong thời gian tới, việc tiếp tục khai quật - nghiên cứu phần còn lại (20 hố khai quật) ở hiện trường di tích và chỉnh lý nghiên cứu chuyên sâu hứa hẹn đem đến thêm nhiều tư liệu quan trọng trong nghiên cứu nhận diện về giai đoạn Kim khí, không chỉ ở khu vực Hà Nội mà còn có thể mở rộng hơn.