
Cùng với thời gian, nhân cách và tài năng văn học của Vũ Trọng Phụng ngày một tỏa sáng. Những tác phẩm của ông được tái bản nhiều lần, những di vật quý giá về ông ngày càng đầy đặn trong lòng công chúng. Có được điều ấy là nhờ công sức của ông Nghiêm Xuân Sơn - con rể của nhà văn.

Tấm thẻ nhà báo của Vũ Trọng Phụng được cấp ngày 28-7-1933 (ảnh nhỏ). Ông Nghiêm Xuân Sơn (người đeo kính hàng bên phải) và bạn hữu thăm mộ nhà văn Nam Cao ở làng Đại Hòa (Lý Nhân, Hà Nam).
1. Phận duyên và tình yêu văn học đã đưa chàng trai họ Nghiêm gắn bó với nhà văn họ Vũ. Chả là: “Năm 18 tuổi, tôi đến thăm một người bạn đang dạy học, tình cờ gặp một cô học trò nhỏ nhắn, xinh tươi và nết na khiến lòng tôi xao xuyến. Khi biết cô ấy là Vũ Mỵ Hằng - con gái nhà văn Vũ Trọng Phụng - người mà tôi hâm mộ tự thuở thiếu thời, tình yêu càng lớn dần…”… Từ dạo ấy, Sơn nguyện dành trọn tâm sức sưu tầm, nghiên cứu về văn nghiệp của ông bố vợ, tuy chưa một lần gặp mặt. Gặp ông Sơn với cặp kính trắng, đôi vai xuôi cùng cái dáng tất tưởi… câu chuyện của chúng tôi lại hướng về chủ đề nhà văn - cha đẻ của anh chàng Xuân tóc đỏ, với nhiều thông tin mới.
Vào một ngày đông năm 1939, sau một cơn ho đến xé phổi, nhà văn họ Vũ đã ra đi trong một căn nhà trọ ở Ngã Tư Sở (Hà Nội). Người thân, bạn hữu đều túng bấn nên chỉ lo liệu được một đám tang đơn sơ đưa ông về nghĩa trang Quảng Thiện. Năm 1957, mến mộ tài năng người quá cố, ông chủ NXB Minh Đức in lại tác phẩm Vỡ đê và vận động bạn bè của nhà văn, xuất bản tập san Vũ Trọng Phụng với chúng ta để có tiền xây mộ cho ông. Ai cũng tưởng, thế là nhà văn được mồ yên mả đẹp. Nhưng đến năm 1965, nghĩa trang bị giải tỏa, phần mộ ông cụ được di về khu đất đầu làng Giáp Nhất. Tháng 12-1972, máy bay Mỹ ném bom cày xới cả khu nghĩa địa, mộ cụ Phụng phải chuyển về nghĩa trang Quán Dền. Năm 1985, hệ thống thoát nước của thành phố lại chạy ngang khu nghĩa địa này. Đau xót vì mộ cha chịu mãi phận long đong, vợ chồng ông Sơn đã rước nhà văn về ngự trong vườn nhà ở Giáp Nhất (Hà Nội).
Mộ nhà văn bình dị có tấm bia bằng đá hoa cương đen - quà tặng của 400 bạn đọc Thư viện Hà Nội - có dòng chữ: “Thiên Hư Vũ Trọng Phụng (1912-1939) - ông vua phóng sự đất Bắc. Tác giả: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Cạm bẫy người, Trúng số độc đắc…”. Hai bên là câu đối của nhà văn Đồ Phồn: “Cạm bẫy người tạo hóa khéo căng chi, qua Giông tố tưởng thêm Số đỏ/ Số độc đắc văn chương vừa trúng thế, bỗng Dứt tình Không một tiếng vang”.
2. Việc sưu tầm di cảo của nhà văn Vũ Trọng Phụng được ông Sơn chăm chút. Suốt từ năm 1956, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không được in và phải đến năm 1976, tiểu thuyết Vỡ đê mới được tái bản, rồi Số đỏ (1983), Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (1987)… Do suốt 20 năm tác phẩm không được xuất bản, nên năm 1989, bà Vũ Mỵ Hằng đã làm đơn gửi Hãng Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam đề nghị cho gia đình được hưởng thêm 30 năm bản quyền tác giả để lấy tiền hương khói cho cha mình. Đề nghị đã được Bộ Văn hóa Thông tin và Hội Nhà văn Việt Nam ủng hộ. Ngày 9-11-1989, Hãng Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam đã cấp Giấy đăng ký bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật đến năm 2019 cho 28 tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.
3. Từ số tiền bản quyền của cha, vợ chồng ông Sơn xây Nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng trên khu đất của gia đình. Ngôi nhà ba gian, rộng 60m2 có đầu đao cong vút như những ngôi đình làng ở đồng bằng Bắc bộ, trang nghiêm và thân thuộc trưng bày nhiều tư liệu quý như: Giấy khai sinh bằng ba thứ tiếng Pháp, Hán và Việt của nhà văn Vũ Trọng Phụng từ 95 năm trước; Hình ảnh, các tác phẩm của nhà văn, những bài báo, luận văn, luận án của các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về nhà văn họ Vũ.
Đặc biệt nhất là cuốn sổ ghi đồ mừng cưới của nhà văn Vũ Trọng Phụng và chiếc thẻ nhà báo cấp ngày 28-7-1933 là hai hiện vật do nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm gửi tặng. Trong cuốn sổ nhỏ ấy, nhà văn đã tỉ mỉ ghi lại tất cả những món quà được tặng trong dịp đám cưới với bà Vũ Mỹ Lương (1938): Tiền mặt là 63 đồng; Ngô Tất Tố và Phạm Cao Củng mừng bức trướng “Hồng diệp thi thanh”; NXB Mai Lĩnh in tặng 110 giấy báo hỉ và câu đối; Hai anh em Nguyễn Giang và Nguyễn Nhược Pháp mừng hai giò hoa thủy tiên. Ngọc Giao, Vũ Bằng, Phùng Bảo Thạch mừng 3 chai vang Emer Pháp…
4. Hiện tại, ông Sơn mở rộng Nhà lưu niệm lên 300m2… tạo nên một cơ ngơi khang trang vừa làm vui lòng người chín suối vừa góp thêm một địa chỉ văn hóa cho Hà Nội.
Từ ba năm nay, ông Sơn còn đi tìm, nối kết với con cháu những người tri âm, bạn văn thuở trước của cụ Phụng như: Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao… với ước nguyện, phát huy tình cảm keo sơn của các cụ ngày xưa, gắn kết, giúp nhau trong việc in ấn tác phẩm, bảo ban nhau giữ gìn nền nếp gia phong, làm cho di sản của cha ông mãi tỏa hương…
Chuẩn bị lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 - 2007), ông Sơn sẽ có chuyến đi Mỹ theo lời mời của ông Peter - dịch giả tiểu thuyết Kỹ nghệ lấy Tây để tổ chức một số hoạt động tưởng niệm, sưu tầm hiện vật của nhà văn. Dịp này, ông Sơn còn dành 100 triệu đồng từ tiền bản quyền sách của nhà văn họ Vũ để lập “Giải thưởng Vũ Trọng Phụng”, trao học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi văn và các tác phẩm phóng sự xuất sắc trên báo chí...
Đỗ Quang Tuấn Hoàng