Đi bộ thì đi thế nào?

Dĩ nhiên việc này có quy định rất rõ ràng trong Luật Giao thông đường bộ. Luật này thường xuyên được sửa chữa cho phù hợp với tình hình thực tế. Mới nhất là bộ luật được Quốc hội phê chuẩn vào cuối năm 2008 có hẳn những quy định rất cụ thể cho người đi bộ và các công trình đường bộ đô thị buộc phải có vỉa hè cho người đi bộ. Thấm thoắt đã 10 năm, bộ luật đã tương đối lạc hậu.

Dĩ nhiên việc này có quy định rất rõ ràng trong Luật Giao thông đường bộ. Luật này thường xuyên được sửa chữa cho phù hợp với tình hình thực tế. Mới nhất là bộ luật được Quốc hội phê chuẩn vào cuối năm 2008 có hẳn những quy định rất cụ thể cho người đi bộ và các công trình đường bộ đô thị buộc phải có vỉa hè cho người đi bộ. Thấm thoắt đã 10 năm, bộ luật đã tương đối lạc hậu.

Thật ngạc nhiên khi Hà Nội khoảng hơn 50 năm trước vẫn là thành phố đi bộ. Đơn giản vì không có đủ xe. Trẻ con đi học 5, 3 cây số trong phố có thể đi tàu điện nếu có tuyến. Trái tuyến sẽ đi bộ. Người lớn đi làm cũng vậy. Còn thêm việc, người lớn khó lòng xin đi nhờ được tàu điện như trẻ con, nên để tiết kiệm tiền, nhiều người cũng chọn cách đi bộ. Tất cả những người buôn thúng bán mẹt trong thành phố chỉ có duy nhất phương tiện đi lại là chính đôi chân của mình. Vài người có dép. Phần lớn đi chân đất. Các cụ già khá giả hoặc làm ra vẻ thế, đi thăm thú nhau trong thành phố sẽ có xích lô. Đến quãng giữa thập kỷ 60, hình như cũng không còn cụ nào được cho là khá giả nữa. Thấy đi bộ rất nhiều. Khăn the áo thụng lọc cọc chiếc gậy gỗ nép sát bờ tường mà đi. Giống như hình ảnh ông Tú Men Nguyễn Văn Tố thời trước cách mạng. Người ta gọi thế không phải vì ông cụ rượu chè quá trớn. Chẳng qua là cụ có thói quen ra đường cứ men bờ tường mà đi, nhường phần đường bên ngoài rộng rãi cho lũ trẻ chạy nhảy.

Vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ trên đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Những người gánh gồng đi bộ chuyên nghiệp thường có chiếc khăn mặt vắt vai. Thỉnh thoảng dừng chân lau những giọt mồ hôi trên trán. Đàn ông đàn bà trung tuổi lịch sự hơn sẽ tìm cho mình một tốc độ đi sao cho khỏi toát mồ hôi. Nam thanh nữ tú trên đường ai ai cũng có chiếc khăn tay thơm trong túi. Dùng cho mình mà thỉnh thoảng cũng dùng cho bạn đồng hành. Trẻ con không để ý gì đến chuyện toát mồ hôi. Đứa nào lúc ở trường về áo quần cũng ướt đầm. Nhà đông con không kịp giặt hôi như cú. Lúc này, chiếc xe đạp là phương tiện và cũng như một niềm tự hào đẳng cấp. Tục ngữ “vỉa hè” các cô gái Hà Nội chọn người yêu lúc ấy là “Đẹp giai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ” (tiếng lóng chỉ chiếc xe đạp Peugeot).

Cuộc sống ào ào cuốn trôi những lo toan ngày ấy từ lúc nào chẳng biết. Giờ thì tìm được anh mặt rỗ trên đường cũng khó ngang với việc tìm được chiếc xe đạp Peugeot. Bệnh đậu mùa đã được thanh toán hoàn toàn từ hơn nửa thế kỷ trước. Những anh mặt có thể rỗ, giờ tuổi tác cũng phải trên bảy mươi cả rồi. Chẳng mấy ai ra đường nữa. Xe đạp Peugeot chỉ còn vài bác đứng tuổi thích chơi đồ cổ sưu tầm về làm cảnh. Và ngay đến người đi bộ cho đúng luật bây giờ cũng chỉ có thể gặp ở Bờ Hồ, công viên vào lúc sáng sớm.

Có khá đông người Hà Nội đi bộ vào lúc sáng sớm không phải vì muốn đến một nơi nào đó. Chỉ là tập thể dục và cũng có chút hoài cổ mà thôi. Họ có thể chọn những con đường vắng vẻ, sạch đẹp nhẩn nha mà đi. Hít thở bầu không khí trong lành nhất trong ngày. Có thể nói, chính là người ta đang thưởng thức thú vui đi bộ thì đúng hơn. Chỉ sau 6 giờ sáng là phải chấm dứt hành trình. Lúc này hàng quà bánh điểm tâm bắt đầu chăng ra khắp phố. Xe cộ đỗ dừng chi chít trên vỉa hè. Luồn lách dưới lòng đường mà đi.

Sẽ có người thắc mắc, vì sao dân Hà Nội sính dùng xe máy đến thế? Đôi khi chỉ vài trăm mét đường cũng vác xe ra thi thố. Nhưng có đi bộ vào những giờ đông đúc thì mới biết. Lòng đường chật kín xe máy, ô tô, có muốn bước chân xuống cũng không được. Hơn thế, muốn sang đường cho đúng luật ở ngã tư có đèn tín hiệu thì buộc phải luồn lách hết sức gian nan trên vỉa hè. Sơ ý đi lọt vào “trận địa” hàng quà nào đó là ăn mắng như chơi. Câu mắng lịch sự thường nhận được là “Dưới đường rộng thế kia sao ông/bà lại len vào hàng tôi?”. Hỗn hào hơn sẽ là “Mắt mũi để đâu mà rúc vào đây?”. Những thành phần dân phố đã dám chăng hàng quán ra vỉa hè ấy, chẳng ngại gì mà không vác ghế lên nói chuyện nếu như khách bộ hành tỏ ý tranh biện.

Nếu như Hà Nội vẫn giữ mức dân số khoảng nửa triệu hồi mới tiếp quản thì đã chẳng ai phải phiền lòng khi thả bước trên đường. Nhưng phát triển là tất yếu. Dân số phát triển và việc lỏng lẻo kỷ cương cũng phát triển theo. Nếu như nói rằng người đi bộ ở phố bây giờ phạm luật đến 90% thì cũng chẳng có gì sai. Không kể những người thản nhiên trèo qua dải phân cách để sang đường, thì phần lớn không có người đi bộ nào đi quá 100m trên phố lại không phải bước chân xuống phần đường dành cho xe cộ.

Đi bộ thì đi thế nào, sẽ còn là câu hỏi lâu dài. Vừa rồi, chủ tịch Hà Nội đã hé lộ nguyên nhân cái vỉa hè bị lấn chiếm. Hóa ra, dọn dẹp vỉa hè cho người đi bộ là việc của chính quyền phải tự dọn dẹp mình trước.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục