Hai năm qua, sức khỏe dì Bảy yếu dần, phải luôn ra vào bệnh viện. Lần này phải nằm bệnh viện khá lâu, phải thở máy nhưng dì vẫn nhận ra con cháu và những người đến thăm.
Cách đây 5 năm, quê hương Sóc Trăng khánh thành nhà lưu niệm đồng chí Ngô Thị Huệ tại Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, một công trình đầy ý nghĩa, gắn với tên tuổi dì Bảy - người phụ nữ kiên trung, son sắt, trọn vẹn một đời vì nước, vì dân.
Cuộc đời dì Bảy gắn với những sự kiện, những biến cố lớn lao của đất nước như Khởi nghĩa Nam kỳ, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, hai cuộc kháng chiến thần thánh… Dì Bảy có 15 năm công tác trên đất Bắc và đã có những đóng góp sau khi về lại miền Nam, kể cả sau ngày nghỉ hưu - thực hiện tiếp những ước mơ, những chương trình nhân đạo, giáo dục truyền thống, xây Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, dựng tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Những năm công tác trên đất Bắc, dì Bảy đã luôn dành sự thương yêu, chăm lo cho con em cán bộ ở miền Nam ra học. Trong đó có Võ Dũng và Hiếu Dân (con của đồng chí Võ Văn Kiệt) đã ở cùng với dì và được xem như con.
Dì Bảy là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và đã tham gia liên tiếp 4 khóa Quốc hội (trong đó có 2 khóa ứng cử ở Bạc Liêu và 2 khóa ứng cử ở Ninh Bình). Dì Bảy từng kể về những người mẹ, người chị buôn thúng bán bưng đã viết những dòng chữ nguệch ngoạc có tên Huệ trên những tấm lá chuối, lá trầu, giấy gói hàng và chuyền tay cho nhau đọc, vận động bỏ phiếu cho dì ở Bạc Liêu vào ngày Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946. Cùng những hình ảnh không bao giờ phai về những người lao động ở hầm than, mặt mày đầy bụi than, chỉ còn hàm răng trắng và nói rằng: Người ở tù về như chị thì tin cậy được. Dì Bảy rất thích bộ đồ lụa lãnh Mỹ A của người dân may cho để mặc ra mắt cử tri, đó là bộ đồ rất vừa, rất hợp với dì. Dì Bảy thường kể là vẫn không sao quên được kỳ họp thông qua bản Hiến pháp đầu tiên và bài nói của Bác Hồ về “Chính phủ liêm khiết” trong lần ra họp mà thời gian đi đường mất hết 6 tháng ròng (bị kẹt ở Thái Lan 4 tháng).
Là vợ của đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, dì Bảy đã chia sẻ nhiều cùng chú và vừa công tác, vừa chăm lo cho các con. 50 năm sánh bước cùng chú Linh, vui buồn cùng san sẻ, dì Bảy cảm thấy mãn nguyện cho dù có lúc phải xa nhau đằng đẵng. Kể cả thời gian chú làm Tổng Bí thư, dì Bảy nói rằng lẽ ra phải ra Hà Nội chăm sóc chú nhưng vì lỡ nhận công việc ở tổ sử của Hội Liên hiệp Phụ nữ. Sau này, dù chú đã đi xa, dì Bảy sống cùng con cháu và thấy vui vì các con cháu biết giữ gìn nền nếp, truyền thống gia đình.
Những năm cuối đời, dì Bảy vẫn tham gia các hoạt động của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ... Trong tâm tưởng của dì vẫn còn đậm nét về những cuộc khủng bố trắng sau Khởi nghĩa Nam kỳ, vẫn không thể nào quên cái đêm trời tối như mực, một mình chèo xuồng nước ngược trên dòng sông Măng Thít cho tới gần sáng để móc nối với cơ sở cách mạng sau cuộc khởi nghĩa thất bại...
Khi nói đôi nét về dì Bảy, đồng chí Võ Văn Kiệt đã ghi: “Chị Bảy giữ nhiều trọng trách khác nhau nhưng không ai thấy chị so đo hơn thiệt… Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là một cán bộ cách mạng kiên trung… Chị Bảy Huệ là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam bộ, người phụ nữ Việt Nam”. Đó là biểu tượng của một thế hệ dấn thân, bất chấp hiểm nguy, tù đày, tra tấn, hy sinh. Nhiều lần bị giặc bắt, có lần bị kết án chung thân khổ sai sau Khởi nghĩa Nam kỳ, có lúc bị tra tấn dã man, bị lột quần áo, cho cả chục ổ kiến vàng cắn, nhưng vẫn một mực giữ gìn khí tiết. Rồi sau ngày hòa bình, lại đối diện với thử thách khắc nghiệt - mất đứa con trai. Vượt lên tất cả những khổ đau, dì Bảy đã sống một cuộc đời mà ai từng biết đều rất khâm phục, ai có dịp gặp đều cảm thấy gần gũi, ấm áp và như đón nhận niềm thương mến toát lên từ dì.
Một chiến sĩ cách mạng với 105 tuổi đời, 87 năm tuổi Đảng mà sự nghiệp, gia đình, phẩm hạnh đều rất đẹp. Dì Bảy Huệ là một biểu tượng đẹp của phụ nữ Việt Nam, là tấm gương quá đỗi gần gũi, thân thương, là hiện thân của sự bình dị mà cao quý, nhìn ở chiều kích nào cũng thấy sáng, đẹp và lan tỏa nỗi yêu thương.
Dì Bảy ra đi thanh thản. Xin kính cẩn tiễn biệt dì!
Trong tập Hồi ức Tiếng sóng bủa ghềnh, dì Bảy Huệ kể chính mình cũng không thể hình dung cuộc hành trình từ một người con gái ở chốn bưng biền Sóc Trăng, từng ăn chay trường, thích lên chùa lạy Phật để mong được độ trì cho mẹ và gia đình bớt khổ mà khi giác ngộ cách mạng (lúc 15 tuổi), đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà lãnh đạo trẻ, hoạt động ở nhiều vùng miền, với nhiều công việc khác nhau. Khi là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, lúc 22 tuổi, lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ ở Long Hồ, Cái Ngang, Tam Bình; khi tham gia Tỉnh ủy Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu; có lúc làm công tác phụ nữ ở Khu 9; khi là Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; lúc ra Bắc làm Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, lo công tác cán bộ, trong đó có chuẩn bị lực lượng cán bộ chi viện cho miền Nam. |