Câu nói thường nghe khi ai đó cần chuyển phát nhanh món đồ hay hàng hóa gì đó là “gửi DHL đi”. Có thể nói rằng, thành công lớn nhất của DHL là câu nói trên vì nó đã trở thành quen thuộc trên toàn thế giới.
Lịch sử hình thành

Ông Tim Baxter, Tổng Giám đốc DHL - VNPT Express bên cạnh biểu tượng truyền thống của hãng
DHL là công ty đầu tiên trong lĩnh vực chuyển phát nhanh toàn cầu. Công ty được thành lập năm 1969 bởi Adrian Dalsey, Larry Hillblom (tỷ phú người Mỹ đã chết vì tai nạn máy bay và có con trai với một cô gái Phan Thiết - người con trai này đã được thừa kế), và Robert Lynn.
DHL là ba chữ đầu trong tên ba người sáng lập này. Công ty hiện có trụ sở chính ở Bonn, Đức. Số nhân viên toàn cầu vào năm nay là 500.000 người. DHL là người đi đầu trong lĩnh vực chuyển giao những tài liệu khẩn đến mọi nơi trên thế giới. Sau đó, công ty mở rộng sang những hàng hóa khác.
Chìa khóa dẫn đến thành công của DHL chính là khả năng đáp ứng chính xác nhu cầu của khách hàng. Điều này đã được chứng thực với việc phần lớn các công ty thành lập khi DHL bắt đầu hoạt động vẫn còn là khách hàng trung thành với DHL cho đến ngày nay.
Ngày nay, sự ra đời của thương mại điện tử đã góp phần làm tăng con số khách hàng DHL lên đáng kể do ngày càng có nhiều người sử dụng mạng internet để thực hiện việc mua sắm. Chuyển phát trong thời gian ngắn và đảm bảo uy tín là những điều tạo ưu thế vượt trội cho DHL.

DHL có cả chuyên cơ riêng phục vụ cho việc chuyển phát nhanh
Trong gần 40 năm hoạt động, DHL đã tạo nên những bước đột phá trong cả chính sách lẫn khoa học kỹ thuật. Giữa thập niên 1970, DHL là động lực thúc đẩy đằng sau cuộc cải cách trong ngành bưu chính ở Mỹ, đi đầu trong những dịch vụ mang giá trị cộng thêm khác với những dịch vụ do ngành bưu điện Mỹ mang đến. Đồng thời, DHL cũng luôn ứng dụng những phát minh kỹ thuật mới để giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành của mình.
Năm 1979, công ty cho ra đời máy xử lý văn bản đầu tiên trên thế giới (tên là DHL 1000), nhờ đó đóng góp rất lớn trong việc xử lý các đơn yêu cầu và dữ liệu của công ty. Năm 1983, DHL là công ty đầu tiên giới thiệu hệ thống theo dõi “track and trace” giúp khách hàng có thể theo sát lộ trình của hàng hóa đang chuyển phát.
Bước chuyển trở thành thương hiệu toàn cầu
Từ nhiều thập kỷ trước, các công ty vận tải và ngân hàng đã trở thành những khách hàng đầu tiên của DHL vì tính đảm bảo an toàn. Trước khi hệ thống chuyển tiền điện tử ra đời, khách hàng phải sử dụng DHL trong việc chuyển những ngân phiếu trị giá hàng triệu USD. Mạng lưới của DHL phát triển nhanh chóng trải dài từ Hawaii đến vùng Viễn Đông và vùng ven Thái Bình Dương, sau đó đến vùng Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Chỉ trong vòng 3 năm, công ty đã mở rộng cung ứng dịch vụ cho hơn 3.000 khách hàng với khoảng 300 nhân viên.
Sang năm 1977, DHL mở rộng dịch vụ sang chuyển phát các bưu kiện nhỏ cùng với những hồ sơ. Năm 1982 đánh dấu bước phát triển thần tốc của DHL với sự mở rộng sang 30 quốc gia và lãnh thổ mới chỉ trong vòng một năm. Tiếp đó, DHL mở văn phòng tại Đông Âu và năm 1986, một lần nữa DHL lại trở thành doanh nghiệp chuyển phát đầu tiên hoạt động tại Trung Quốc.
Năm 1989, DHL đã có văn phòng tại 179 quốc gia và có đến 20.000 nhân viên. Một năm sau, DHL khẳng định sức mạnh quốc tế của mình khi ký kết một hợp đồng quan trọng với Lufthansa Cargo, Japan Airlines và Nissho Iwai, thành lập nên liên minh đầu tiên về vận chuyển trên toàn cầu Global Transport Allience, đồng thời cũng khẳng định vị trí của mình để đáp ứng lại kỳ vọng của khách hàng.
Tại Việt Nam, DHL hoạt động trên cơ sở hợp đồng đại lý với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam – nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) từ năm 1988. Năm 2007, VNPT và DHL thành lập liên doanh DHL - VNPT Express với thị phần hoạt động chiếm khoảng 40% toàn thị trường vận chuyển nhanh hàng hóa. DHL cũng thiết lập nhiều trung tâm tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và sở hữu đội xe vận chuyển nhiều nhất so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. |
Năm 1993, DHL tuyên bố đầu tư 1,25 tỷ USD vào cơ cấu hạ tầng và khoa học kỹ thuật giúp ích cho công tác mở rộng, trong đó bao gồm cả việc tăng gấp đôi công suất hoạt động của DHL tại Brussels - trạm lớn thứ nhì sau Mỹ. Tiếp theo là sự mở rộng tại khu vực châu Á, ở Manila (Philippines) và trung tâm Express Logistics ở Singapore năm 1996.
Năm 1998, Deutsche Post AG của Đức trở thành cổ đông chính của DHL và điều này sớm dẫn đến việc DHL được Deusche Post World Net (DPWN) sở hữu hoàn toàn. Năm 2003, DPWN sáp nhập tất cả mọi dịch vụ chuyển phát và giao nhận của mình (trong đó có Danzas và Securicor Omega) vào trong thương hiệu DHL quốc tế. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 40 năm, DHL đã lớn mạnh không ngừng và xứng đáng được ghi danh là một trong những thương hiệu mạnh nhất toàn cầu.
THỤY NGUYỄN tổng hợp