Sáng 20-11, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước nhằm tổng kết hoạt động thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 và phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025.
Dịp này, ĐH Quốc gia TPHCM vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ghi nhận những đóng góp to lớn và quan trọng của ĐH Quốc gia TPHCM trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
Buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp cùng hàng ngàn cán bộ giảng viên, sinh viên tham dự.
Đặc biệt, ĐH Quốc gia TPHCM liên tục xuất hiện trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới như: tốp 701-750 trong bảng xếp hạng QS World 2019, 2020 và xếp hạng 143 bảng xếp hạng QS Asia 2019-2020, tốp 1001+ các trường ĐH toàn cầu năm 2020, tốp 301-500 ĐH có tỷ lệ sinh viên có việc làm tốt nhất thế giới năm 2020, tốp 101-150 trong bảng xếp hạng 50 Under 50 (top các trường ĐH trẻ dưới 50 tuổi). Ngoài ra, ĐH Quốc gia TPHCM có 5 lĩnh vực được được xếp hạng tốp 601-800 thế giới.
ĐH Quốc gia TPHCM luôn kiên trì bám sát mục tiêu, thể hiện vai trò mà Đảng, Nhà nước đã giao phó làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khẳng định vị thế giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, ĐH Quốc gia TPHCM luôn xác định đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn hệ thống, xem đây là động lực to lớn để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đổi mới và phát phát triển giáo dục, phấn đấu trở thành một trong những đại học hàng đầu Châu Á vào giai đoạn 2025- 2030, PGS-TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước gửi tới quý thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, các nhà khoa học cùng các em sinh viên, học sinh ĐH Quốc gia TPHCM lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, các nhà khoa học luôn có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Trong quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước, Đảng ta luôn chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: ĐH Quốc gia TPHCM là mô hình tổ chức giáo dục hiện đại, được hình thành từ chủ trương đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong tiến trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Cùng với Thủ đô Hà nội, TPHCM với vị thế và sự năng động sáng tạo của mình đã được Chính phủ chọn làm nơi triển khai mô hình ĐH Quốc gia Việt Nam.
Với tư cách là ĐH Quốc gia, ĐH Quốc gia TPHCM đã nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo đại học - sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế, từng bước hội nhập bình đẳng, vững vàng vị thế trong hệ thống đại học tiên tiến thế giới; tham gia đóng góp hiệu quả vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Biểu dương những thành quả của ĐH Quốc gia TPHCM, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tựu mà ĐH Quốc gia TPHCM đã đạt được qua quá trình 25 năm xây dựng và phát triển.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước rất ấn tượng trước diện mạo của một khu đô thị đại học xanh - sạch với những tòa nhà khang trang, hiện đại, như những dấu ấn sinh động về sự phát triển của ĐH Quốc gia TPHCM qua từng giai đoạn. Đồng thời, đánh giá cao những kết quả của phong trào thi đua yêu nước mà ĐH Quốc gia TPHCM đã đạt được trong giai đoạn 2015-2020. Đặc biệt, ĐH Quốc gia TPHCM đã tiên phong trong 3 vấn đề lớn nhất của đại học, đó là đào tạo, nghiên cứu khoa học và đóng góp cho cộng đồng.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đề nghị ĐH Quốc gia TPHCM trong giai đoạn tới, để tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và trên trường quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua và công tác khen thưởng để thi đua thật sự trở thành động lực to lớn của cả tập thể, của từng cán bộ, viên chức, thầy cô giáo của ĐH Quốc gia TPHCM.
Công tác thi đua khen thưởng phải bám sát mục tiêu đề ra, phong trào thi đua thiết thực, gắn cụ thể với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ để các tập thể, cá nhân thi đua phấn đấu, phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của ĐH Quốc gia TPHCM; tập trung đổi mới và hoàn thiện mô hình quản trị đại học tiên tiến theo xu hướng thế giới trên cơ sở nền tảng tự chủ đại học bản sắc Việt Nam, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhà khoa học đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển trong giai đoạn 2021-2025; không ngừng cải tiến chất lượng, đạt trình độ xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, kiến tạo tri thức mới, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học đỉnh cao, đổi mới sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước; chủ động hội nhập, hợp tác khu vực và thế giới; tăng cường gắn kết địa phương và doanh nghiệp; tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, phục vụ cộng đồng để đóng góp cho sự phát triển xã hội, đất nước, đồng thời tạo ra những điều kiện và tiền đề cần thiết để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2021-2025.
Nhân dịp này, ĐH Quốc gia TPHCM còn tổ chức triển lãm giới thiệu những thành tựu khoa học - công nghệ trong giai đoạn 2015-2020 với những công trình tiêu biểu như trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tế bào gốc, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục thông minh, nông nghiệp…