Trước thông tin này, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng Online đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM.
PHÓNG VIÊN: Thưa bà, vì sao Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM quyết định mở đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành Báo chí học?
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: TPHCM là trung tâm về kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước. Do vậy, nhu cầu về công tác truyền thông, báo chí rất quan trọng.
Trong thời gian qua, nhà trường đã đào tạo đội ngũ nhân lực báo chí cho xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu của thời cuộc, của xã hội đòi hỏi cần lực lượng có nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao hơn.
Sau thời gian chuẩn bị rất kỹ về đội ngũ, chương trình đào tạo, nhà trường được sự chỉ đạo từ Đại học Quốc gia TPHCM cũng như nhu cầu của các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên nên đã đi đến chính thức quyết định mở đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Báo chí học.
Phải nói rằng trước giờ ở khu vực phía Nam, báo chí được quan niệm đơn thuần là một nghề nên đa phần học xong, ra trường thấy là đủ rồi. Nhưng khi nhà trường khảo sát các nơi thì được biết sau khi phóng viên, biên tập viên đi làm được một thời gian rồi nhận thấy còn thiếu kiến thức, kỹ năng và rất muốn có cơ hội học tập thêm để nâng cao hơn nữa cho công việc chuyên môn hiện tại như về phương pháp, kiến thức cập nhật, trình độ lý luận, phân tích. Do vậy, đào tạo trình độ Thạc sĩ Báo chí học của trường được ra đời, đủ điều kiện mở ngành và phù hợp, cần thiết cho giai đoạn hiện nay.
PHÓNG VIÊN: Để mở ngành mới này, nhà trường phải chứng minh được năng lực hồ sơ như thế nào?
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: Đề án mở ngành mới đối với trình độ Thạc sĩ Báo chí học của trường chúng tôi là cả một quá trình được chuẩn bị rất kỹ càng, lâu dài, phải chứng minh được năng lực đào tạo qua nhiều vòng thẩm định, phản biện.
Điều tiên quyết được chứng minh rằng phải có điều kiện nền tảng đầy đủ, chắc chắn về đội ngũ nhân lực tham gia trực tiếp giảng dạy. Vì đào tạo ở trình độ này, đội ngũ giảng dạy phải có trình độ Tiến sĩ chuyên ngành báo chí cũng như đủ điều kiện học hàm, học vị theo yêu cầu khác. Cho nên đến thời điểm này, chúng tôi cơ bản đáp ứng đầy đủ các điều kiện chín muồi, quyết định mở đào tạo cho trình độ Thạc sĩ Báo chí.
Chúng tôi hy vọng khóa đầu tiên này sẽ đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực báo chí để đáp ứng cho nhu cầu mới của xã hội, của thời đại, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay.
PHÓNG VIÊN: Thưa bà, nhà trường có thể cho biết điều kiện tuyển sinh, số lượng chỉ tiêu, thời gian tiếp nhận hồ sơ thí sinh đăng ký cũng như dự kiến mức học phí cho khóa đào tạo này như thế nào?
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: Theo đó, các thí sinh dự thi khóa đào tạo Thạc sĩ Báo chí học phải trải qua hình thức thi tuyển với các môn cơ bản (Cơ sở lý luận báo chí và truyền thông), môn cơ sở (Tác phẩm và thể loại báo chí) và môn Ngoại ngữ (theo quy định chung).
Chúng tôi sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của các thí sinh trực tiếp tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM (số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) bắt đầu từ tháng 3 – 2021 để đến tháng 5 – 2021 thì tổ chức thi.
Còn số lượng học viên đủ điều kiện để tham gia khóa học sau khi vượt qua kỳ thi là 25. Mức học phí được công bố là 23 triệu đồng/năm (toàn khóa 46 triệu đồng), với thời gian đào tạo chính thức 2 năm. Khoa Báo chí và Truyền thông của trường được giao nhiệm vụ đào tạo.
Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp được thực hiện theo quy định hiện hành của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM.
Xin cảm ơn bà!