Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, hiện tổng số DN tham gia trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam (gồm khối ngoại và khối nội) có hơn 7.000 DN. Trong đó, chỉ có 18% DN sản xuất nguyên liệu vải, 12% DN sản xuất sơ sợi, 2% sản xuất nguyên liệu khác, còn lại là DN may. Điều này đã đặt ngành dệt may đứng trước thách thức tăng trưởng không ổn định do phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Hiện, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 100% bông với giá trị ước tính khoảng 3,2 tỷ USD, 60% vải nguyên liệu trị giá khoảng 14 tỷ USD... Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu bông và vải lớn nhất của Việt Nam, kế đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Trên thực tế, năm 2020 và 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước và diễn biến phức tạp, ngành dệt may trong nước đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nhà máy sản xuất phải tạm đóng cửa hoặc phá sản do đứt gãy chuỗi cung ứng, DN không có nguyên liệu để sản xuất. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, chia sẻ, với tỷ lệ nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu cao như hiện nay, các DN trong nước rất dễ bị tổn thương bởi những biến động trên thị trường toàn cầu. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu tăng liên tục và đang cao hơn so với cùng kỳ năm trước ở mức 20-50% tùy loại, cộng với giá xăng trong nước tăng mạnh đang khiến các DN gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN đã phải chuyển đổi sang nhận đơn đặt hàng ngắn hạn thay vì dài hạn hoặc để mở điều khoản giá thành. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các DN xuất khẩu.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may cao nhưng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cũng ở mức cao đã kéo giảm thặng dư thương mại của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may. Hiện, thặng dư thương mại lĩnh vực dệt may qua các năm dao động ở mức 15 tỷ USD (kim ngạch xuất khẩu trừ đi nhập khẩu). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đã chạm mốc gần 41 tỷ USD.
Trong 5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam không ngừng tăng trưởng ở mức 2 con số. Điều này chứng tỏ các DN dệt may đã có sự thay đổi linh hoạt nhằm vượt qua khó khăn và duy trì khả năng tăng trưởng của mình. Minh chứng là khi nhiều chuỗi cửa hàng thời trang trên thế giới phải đóng cửa hoặc phá sản, các đơn đặt hàng dệt may của đối tác nhập khẩu bị thay đổi theo hướng số lượng ít, thời gian giao hàng nhanh nên kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn tăng mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 là 35 tỷ USD, đến năm 2021 đạt 40,45 tỷ USD và trong 5 tháng đầu năm 2022 đã bức tốc đạt 11,8 tỷ USD. Tuy nhiên, về lâu dài, các DN vẫn cần có sự trợ lực từ hoạt động sản xuất trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu. Đây được xem là yếu tố sống còn để DN dệt may duy trì và tăng tốc phát triển, tận dụng được cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Cần đa dạng nguồn cung ứng
Bà Sevil Abilova, Trưởng Phòng Quan hệ quốc tế và quản lý sự kiện, Cơ quan Xúc tiến đầu tư và xuất khẩu Azerbaijan, góp ý, nguồn nguyên liệu của ngành dệt may trên thế giới khá đa dạng và dồi dào. Trong bối cảnh các DN dệt may Việt Nam chưa chủ động nguồn cung ứng từ nội địa thì có thể tăng nguồn cung nguyên liệu từ nhiều thị trường nhập khẩu. Đây là giải pháp nhằm tránh tình trạng phụ thuộc vào một số ít thị trường, dễ dẫn đến nguy cơ gián đoạn sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng. Muốn như vậy, DN Việt Nam cần chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến giao thương với nhiều thị trường cung ứng nguyên liệu dệt may trên thế giới.
Nhiều ý kiến chia sẻ từ phía DN dệt may Việt Nam cho biết, hiện quy mô thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang rất lớn. Đây là cơ hội thuận lợi cho nhiều tập đoàn sản xuất nguyên phụ liệu dệt may nước ngoài tìm đến và đặt vấn đề cung cấp. Tuy nhiên, các DN cần cơ quan chức năng hỗ trợ để xác thực các yếu tố như khả năng cung ứng từ đối tác, rào cản nào cần vượt qua để tiếp cận, gia nhập thị trường. Ông Vũ Đức Giang khuyến cáo, các DN cần nắm rõ phương thức đặt hàng và hình thức thanh toán, vận chuyển từ đối tác. Song song đó, các DN trong nước cần chuyển đổi sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, phát triển bền vững và thực hiện nền kinh tế tuần hoàn. Điều này không chỉ xuất phát từ yêu cầu của đối tác nhập khẩu, xu hướng phát triển thời trang xanh trên thế giới mà còn là cam kết của Chính phủ Việt Nam về vấn đề đảm bảo môi trường ở phạm vi toàn cầu.
Về dài hơi, các DN kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương cần tăng cường xúc tiến đầu tư theo hướng hỗ trợ DN trong nước đầu tư sản xuất nguyên liệu dệt may tại các nước có nguồn bông lớn trên thế giới nhằm tăng tính an toàn, ổn định cho phát triển ngành dệt may. |