Trước tình hình kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 và trực tiếp ảnh hưởng tới sự sống còn của các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam, ngày 25-3, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 22 đơn vị trọng yếu để xem xét, nhận định tình hình khẩn cấp và đề ra giải pháp cho thời gian tới.
Theo báo cáo, trong thời gian từ trung tuần tháng 3-2020, liên tiếp có những đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may bị hủy, dừng, tạm ngừng, dẫn đến tình trạng hầu hết các đơn vị thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5-2020.
“Thương hiệu càng cao thì tỷ lệ cắt giảm hàng càng lớn, và chưa có tín hiệu nào về thời gian phục hồi”- Vinatex cho biết.
Tình hình này dẫn đến áp lực lớn lên các doanh nghiệp của ngành dệt may Việt Nam cả về tài chính và lao động. “Nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4-2020. Lao động thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5-2020”- theo Vinatex.
Thiệt hại ước tính với ngành dệt may Việt Nam sẽ lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4-2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5-2020; và nếu tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng dệt may Việt Nam sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD nguyên liệu/tháng, nếu giả thiết khách hủy 20% đơn hàng thì sẽ ngành sẽ có 300 triệu USD vật tư đã nhập về nhưng không được sử dụng, tiềm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển.
Ước đến hết năm 2020, số hàng tồn kho trong hai tháng 4 và tháng 5-2020 của toàn ngành sẽ mất 50% giá trị, tương ứng khoảng 300 triệu USD (riêng Vinatex mất khoảng 24 triệu USD).
Tập đoàn Vinatex đưa ra giả thiết, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6-2020 thì ước tính ngành dệt may Việt Nam thiệt hại 11.000 tỷ đồng và tập đoàn sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 25-3, các giải pháp trọng tâm mà Vinatex đặt ra cho 22 đơn vị trọng yếu là dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt; áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm xuống còn khoảng 32 đến 40 giờ/tuần, làm việc luân phiên, trên cơ sở thảo luận thống nhất với người lao động. Tập trung tuyên truyền cho người lao động về khó khăn bất khả kháng, cùng chia sẻ với doanh nghiệp để vượt khó; tiết giảm chi phí, hoãn đầu tư; xin miễn, hoãn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn…
Vinatex sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành cho phép được xuất khẩu khẩu trang, trang phục phòng dịch; kiến nghị ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại cho ân hạn các khoản phải trả dài hạn đến hạn năm 2020, kéo dài thời gian khoản nợ ngắn hạn lên 11 tháng, không giảm hạn mức, không chuyển loại nợ, cho vay trả lương cho đối tượng bị thiếu việc làm.