Thư viện hoa văn
Hoa văn không chỉ là câu chuyện thẩm mỹ, ẩn chứa trong những đường nét tài hoa, tỉ mỉ, đó là bản sắc, bộ nhận diện của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Theo thời gian, công nghệ dệt may thủ công dần thất truyền. Theo đó, các chất liệu thổ cẩm, hình ảnh, hoa văn mờ theo năm tháng. Lưu trữ lại bằng hình ảnh, file vẽ là hình thức bảo tồn tốt, để có thể lưu giữ những nét đẹp, sự tỉ mỉ của những hoa văn…, và cũng là cách có thể lan tỏa, ứng dụng trong cuộc sống đương đại dễ dàng hơn.
Chính từ nhu cầu đó, Dự án Ethnicity Vietnam đã khởi động từ năm 2018, với mục đích đưa nét đẹp văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hoa văn dệt thổ cẩm đến gần hơn với mọi người thông qua hình thức số hóa. Phương Quyên, thành viên Dự án Ethnicity Vietnam, chia sẻ: “Ethnicity Vietnam sử dụng Adobe Illustrator để phân tích về kích thước, tỷ lệ của các sợi chỉ (mũi dệt) để vẽ lại với mong muốn có thể lưu giữ một cách chính xác nhất và cụ thể nhất. Từ đó, Ethnicity Vietnam mong muốn xây dựng được bộ thư viện hoa văn hoàn chỉnh nhất có thể, là một bản tham khảo cho các anh chị, các bạn có mong muốn học dệt hoặc nghiên cứu về thổ cẩm truyền thống của Việt Nam”.
Tuy nhiên, nếu chỉ có phiên bản thư viện bảo tồn bản dệt, các hoa văn có thể hơi khó tiếp cận với nghệ thuật đương đại, khó ứng dụng, nên Ethnicity Vietnam tiếp tục cho ra đời các thư viện gồm: thư viện hoa văn phát triển, thư viện hoa văn ứng dụng và thư viện minh họa. Với 4 thư viện hiện có, Ethnicity Vietnam góp phần để các hoa văn dân tộc có thể tiếp cận đời sống đương đại dễ dàng hơn, bằng nhiều hình thức khác nhau và có thể truy xuất được nguồn gốc, ý nghĩa hoa văn của từng dân tộc.
Bước ra thế giới
Ethnicity Vietnam gồm những thành viên đến từ các ngành nghề thuộc lĩnh vực truyền thông và thiết kế sáng tạo. Trải qua hơn 5 năm, nỗ lực của Dự án Ethnicity Vietnam đã bước đầu thành công trong việc góp tiếng nói để đưa bộ hoa văn của các dân tộc Việt Nam ra toàn cầu. Ngay năm đầu đi vào hoạt động, Ethnicity Vietnam đã được chọn là 1 trong 10 dự án thuộc khối ASEAN được trực tiếp trình bày với nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tháng 4-2019, Ethnicity Vietnam được Quỹ ASEAN đề cử và tháng 8-2019, trở thành thành viên chính thức của Social Innovation Warehouse - kho lưu trữ và quảng bá trực tuyến các dự án xã hội tiềm năng của các nhà lãnh đạo trẻ được liên kết với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Và cũng trong năm 2019, Ethnicity Vietnam được trình bày tại Diễn đàn thanh niên quốc tế UNESCO tại Trung Quốc và giới thiệu tại phiên họp của Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 43 ở Baku, Azerbaijan. Không chỉ là câu chuyện bảo tồn, việc phát huy giá trị hoa văn cũng được các bạn trẻ hướng đến người trẻ.
“Tên Ethnicity gồm 2 thành phần: Ethnic (dân tộc), City (thành thị). Khi bắt đầu dự án, cả nhóm đặt mục tiêu đưa những nét đẹp văn hóa dân tộc, đặc biệt là hoa văn đến gần hơn với thành thị, đến với giới trẻ. Trong những chuyến đi thực địa để thu thập thông tin về các mẫu hoa văn thổ cẩm (bao gồm cả ý nghĩa và câu chuyện đằng sau chúng), khi tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày của người dân ở mỗi nơi, cả nhóm luôn gắn kết với những người trẻ tuổi ở địa phương, vì họ chính là đối tượng tiềm năng của dự án. Ngoài ra, bản thân mỗi chúng ta khi đón nhận một hoa văn, thì đó cũng là một câu chuyện, một ý nghĩa về văn hóa, về đời sống, về nhân sinh quan của người địa phương để cùng học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển”, Phương Quyên chia sẻ thêm.
Dự án Ethnicity Vietnam từ những người trẻ góp phần bảo tồn và đưa bộ nhận diện thương hiệu hoa văn dân tộc của Việt Nam ra thế giới, xứng đáng nhận một niềm tin và trợ lực từ cộng đồng, bởi chỉ khi người trẻ quan tâm và hành động vì di sản thì di sản mới có thể hài hòa và bền vững cùng nhịp sống đương thời.
Ethnicity Vietnam ra mắt bộ thư viện đầu tiên của dân tộc K’Ho và Mạ vào tháng 8-2020 gồm bộ thư viện hoa văn bản dệt. Từ năm 2018-2023, Ethnicity Vietnam xây dựng 4 thư viện số hóa hoa văn của 14 dân tộc, gồm: K’Ho - Lâm Đồng; Mạ - Đồng Nai; Chăm - Ninh Thuận; Mường - Thanh Hóa; Pà Thẻn - Hà Giang; Cơ Tu - Quảng Nam; Bana, Brâu, Gia Rai, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Rơ Măm, H’Rê - Kon Tum. Trong đó gồm 500 hoa văn bảo tồn, 100 hoa văn phát triển, 100 ứng dụng hoa văn, 50 tranh minh họa đời sống dân tộc.