Ai cũng hiểu, phải bắt đầu từ ý thức, dần mới tạo thành thói quen. Một hành động đẹp nếu được nhân lên sẽ tạo ra cộng đồng sống văn minh, có văn hóa và trách nhiệm.
Tại TPHCM, ở bất cứ tuyến đường, con hẻm nào, đặc biệt vào buổi sáng sớm, không khó để bắt gặp hình ảnh những công nhân môi trường vất vả thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt. Những xe thu gom rác, phần thùng chính thường dùng để chứa các loại rác dễ phân hủy.
Xung quanh luôn được trang bị rất nhiều bao tải lớn, chuyên đựng các loại rác có thể tái chế, bán cho các vựa ve chai, như: vỏ lon, chai và các đồ nhựa, thùng cạc tông, sách báo… Luôn “bơi” trong đống rác bốc mùi khó chịu, nhiều khi rất nguy hiểm bởi các vật sắc nhọn… là việc làm mỗi ngày của những người làm công tác thu gom rác.
Hiện nay, phân loại rác thải sinh hoạt được chia thành 3 nhóm: chất thải vô cơ, hữu cơ và tái chế. Tại rất nhiều địa điểm công cộng: trường học, công viên, trung tâm thương mại, siêu thị… đều đặt các thùng phân loại rác riêng. Thời gian gần đây, nhiều tuyến phố, con hẻm còn có những hình bích họa sinh động, màu sắc như một cách tuyên truyền sáng tạo để nhắc nhở người dân ý thức tuân thủ quy định này.
Đặc biệt, khắp thành phố, nhiều khu dân cư, tổ dân phố thường xuyên phát động các chiến dịch đổi rác lấy quà, đổi rác lấy cây, thu gom pin và rác thải tái chế… Không ít hội, nhóm còn làm quà tặng, các vật dụng sử dụng trong gia đình từ rác thải tái chế. Đó là những nỗ lực nhằm kêu gọi ý thức cộng đồng chung tay trong phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn, vừa giảm tải công việc cho những người thu gom rác. Đồng thời cũng tạo ra lợi ích về kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.
Nhưng để thực hiện và nhân rộng việc này chưa bao giờ đơn giản. Điều này cũng dễ hiểu, bởi với nhiều hộ gia đình, rác thải được đựng trong các thùng rác nhựa, phổ biến không kém là các loại thùng xốp. Và, để tiện tay, hay như một thói quen, tất cả rác thường được bỏ chung với nhau. Về mặt pháp luật, đã có Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Theo đó, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Về mặt pháp lý, dù văn bản luật đã hiệu lực nhưng vẫn đang trong lộ trình xem xét thời gian áp dụng chế tài xử phạt.
Về lý là thế, về tình, muốn thay đổi, tạo ra thói quen mới có ích cho xã hội, cộng đồng, trước hết và quan trọng nhất vẫn phải trông chờ và phụ thuộc vào ý thức. Thiết nghĩ, muốn việc phân loại rác tạo ra hiệu quả, phải bắt đầu từ mỗi người dân, hộ gia đình. Thêm một, hai thùng rác không làm chật chội không gian sống. Nó có thể tạo ra những sự bất tiện ban đầu, bởi để thay đổi thói quen trong ngày một ngày hai không dễ. Nhưng nó cũng không phải khó đến mức không thể thay đổi.
Ông bà, bố mẹ bỏ rác đúng nơi quy định cũng là cách làm gương cho con cháu có cơ hội được thực hành bài học phân loại rác đã được dạy ở các cấp học, từ mầm non. Một gia đình biết cách phân loại rác cùng chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa đến những gia đình sống quanh mình, dần dần sẽ tạo nên cộng đồng lớn hơn. Hiện nay, hầu hết các tổ dân phố đều có các hội nhóm chung trên mạng xã hội, nên thiết nghĩ, việc tuyên truyền này đã trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều.
Điều đáng mừng, khắp thành phố đã xuất hiện những trạm thu gom các loại pin, thiết bị điện tử, quần áo cũ… đã qua sử dụng. Không ít khu dân cư văn hóa có điểm thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại chỗ. Nhiều chương trình đổi rác lấy quà đã tạo sự hứng khởi với người dân. Nét đẹp của văn hóa ứng xử trong đời sống thiết nghĩ không chỉ là những gì lớn lao hay to tát. Một hành động tuy nhỏ sẽ càng đẹp và có ý nghĩa hơn nếu nó được thực hiện nghiêm túc từ mỗi gia đình, từ đó nhân lên trong cộng đồng.
Bởi xét cho cùng, chuyện về vệ sinh môi trường nói chung và phân loại rác nói riêng, tưởng là chuyện nhỏ nhưng lại không hề nhỏ. Mỗi gia đình một ngày có thể chỉ là một túi rác nhỏ. Nhưng ở thành phố hàng chục triệu dân, chỉ tính rác thải sinh hoạt, con số ấy lớn chừng nào, đặc biệt khi tất cả đều bị và được bỏ chung trong một mớ hỗn độn. Phân loại rác chính là cách để chúng ta tự làm sạch, xanh hóa cuộc sống của chính mình theo cách đơn giản nhất.