Đẹp mãi xứ dừa

Suốt miền duyên hải Nam bộ, từ Long An đến Cà Mau, sinh thái thổ nhưỡng như nhau, nhưng không hiểu vì sao cây dừa lại chọn Bến Tre để trao thân gửi phận. Phải chăng ông trời đã xe duyên cây với đất, cây với người như vậy, hay còn một lý do nào khác? Đến nay chưa ai giải thích thấu đáo được. Khi cây dừa đã ngự trị kín vườn tược, bờ bãi, Bến Tre có thêm một cái tên mới: Xứ dừa.
Đẹp mãi xứ dừa

Suốt miền duyên hải Nam bộ, từ Long An đến Cà Mau, sinh thái thổ nhưỡng như nhau, nhưng không hiểu vì sao cây dừa lại chọn Bến Tre để trao thân gửi phận. Phải chăng ông trời đã xe duyên cây với đất, cây với người như vậy, hay còn một lý do nào khác? Đến nay chưa ai giải thích thấu đáo được. Khi cây dừa đã ngự trị kín vườn tược, bờ bãi, Bến Tre có thêm một cái tên mới: Xứ dừa.

Cầu Rạch Miễu

Hào khí định thủy

Từ TPHCM về Bến Tre, trước đây con đường ngắn nhất là xuyên qua Mỹ Tho, cưỡi phà Rạch Miễu vượt sông Tiền. Tôi nhớ lần đầu đến đây, đứng ở bến bên Tiền Giang nhìn sang đất Bến Tre, không thấy bến đón mình đâu cả. Tôi hỏi một chàng trai đứng gần kề. Cậu ta hào hứng giải thích: “Phà Rạch Miễu vượt sông Tiền có một đặc điểm riêng. Nó không sang ngay, mà cũng không sang chéo như những con phà ở các dòng sông khác. Vì có cù lao nổi giữa dòng kia nên phà phải xuôi sông hơn một cây số, rồi mới bẻ lái, quay mũi, lượn ôm lấy cù lao vào bến xứ dừa. Ngày trước muốn qua sông, có khi phải chờ phà đến nửa ngày”. Gió từ mặt sông Tiền hắt lên rười rượi, tôi thả hồn vào đôi triền xanh thẵm để có cái cảm giác như mình đang trên một con tàu du lịch vùng châu thổ.

Cậu thanh niên xứ dừa hay chuyện, đưa tay chỉ về phía thượng nguồn, nơi có những trụ bê tông sừng sững mọc lên giữa sông nước, nói tiếp: “Anh ơi! vài năm nữa thôi, phà Rạch Miễu chỉ còn là ký ức trong lòng mọi người. Cây cầu đang xây dựng, theo tiến độ năm 2006 sẽ thông xe…”. Cậu ta đột ngột dừng lại, thả cái nhìn xa xăm, thổ lộ tiếp: “Giá như cây cầu ấy xuất hiện sớm dăm năm thì Bến Tre quê em đã thành Bến Trẻ, Bến Khỏe không thua kém bất cứ tỉnh thành nào ở Nam bộ về tốc độ phát triển đâu”.

Trước khi về xứ dừa, tôi đã biết, tỉnh này được tạo dựng bởi 3 cù lao là cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa. 3 cù lao ấy hợp lại, làm nên ốc đảo Bến Tre nên muốn lưu thông với các tỉnh lân cận đều phải lụy đò, phà. Người Bến Tre có nhiều khao khát, nhưng có lẽ khát khao lớn nhất truyền từ đời này đến đời khác, là có những cây cầu nối liền quê hương mình với những miền quê khác. Có thế mới mong mở mày, mở mặt hội nhập cùng xa gần. Mãi đến những năm đầu thế kỷ 21, cây cầu nửa dây văng, nửa bê tông dự ứng lực do các kỹ sư Việt Nam thiết kế bắc qua sông Tiền mới được triển khai xây dựng và hình thành, thỏa niềm mơ ước bao đời của người dân xứ dừa.

Đi trên con đường mới làm ở trung tâm xã Định Thủy tôi chợt nhớ, dạo cuối năm 2014, về đây tôi được tham dự buổi họp của tổ tự quản thuộc ấp Định Nghĩa bàn việc giải tỏa vườn tược nhà cửa của một số hộ dân để mở con đường mới. Ngồi ở một góc khuất, tôi nghĩ hẳn là cuộc họp phải găng lắm đây, chuyện giải tỏa ở đâu cũng phức tạp cả. Nhưng tôi đã lầm. Với người dân quê hương Đồng Khởi, tôi được chứng kiến sự tự nguyện thật xúc động. Tất cả các gia đình bị giải tỏa ít nhiều vườn tược, nhà cửa cho con đường mới khai sinh, không ai đòi hỏi đền bù một xu. Đêm trước họp, sáng hôm sau đã lục tục chặt cây, dỡ mái…

Về quê hương Đồng Khởi lần này, tôi được làm việc với Phó Chủ tịch xã Đào Văn Mướt, tuổi đời chưa đến 40. Trong căn phòng ủy ban xã khang trang, anh Mướt dẫn tôi ngược dòng thời gian mấy mươi năm về trước, khi Định Thủy sống dưới ách kìm kẹp của quân cướp nước và bè lũ bán nước. Qua câu chuyện của anh Mướt, tôi hình dung ra hình ảnh đội quân tóc dài gồm các bà, các má, các chị với xoong, nồi, mõ… đồng loạt gõ vang, xuống đường nổi dậy đánh đuổi, tiêu diệt tổng đoàn dân vệ, chỉ trong 1 giờ, xã Định Thủy được giải phóng hoàn toàn…

Trở về với thực tại, bánh xe gắn máy êm thuận trên các  con đường liên ấp đã thảm bê tông, rợp bóng dừa xanh mát khiến tôi thấm thía những nỗ lực của chính quyền, của người dân quê hương Đồng Khởi. Tình cờ gặp một lão nông đang đùa với đàn cháu dưới tán lá dừa, tôi ghé đến trò chuyện: “Thưa bác! Cháu muốn hỏi bác đôi điều về Định Thủy mình”. Không e ngại, ông già đôn hậu: “Chú cần gì cứ hỏi, biết qua nói liền à”! “Dạ xin bác cho cháu biết, những đổi thay của Định Thủy sau gần 40 năm giải phóng?”.

Không đắn đo, cụ già đáp ngay: “Đổi thay nhiều, nhiều lắm. Chẳng có gì để so sánh được. Bởi ngày ấy mình có được là con người đâu. Còn bây giờ đất đai, vườn tược của mình. Con cháu được học hành tử tế, chỉ vậy thôi đã vui lắm rồi…”. Chia tay cụ, bánh xe tôi lăn trong niềm vui với đất và người đã sinh ra phong trào Đồng Khởi…

Xanh ngắt Cái Mơn

Về với Bến Tre xứ sở cây dừa, nhưng sẽ là thiếu sót nếu không đến với vùng đất Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành huyện Chợ Lách, quê hương của các loài cây cảnh nổi tiếng. Qua phà Hàm Luông chừng dăm cây số, rẽ phải vào một con đường nhựa phẳng lì, hai bên xum xuê vườn tược, tiếng chim gọi nắng râm ran… cho ta cái quyền nghĩ đến một vùng quê trù phú, hấp dẫn.

Anh Nguyễn Việt Hải, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thành, cho biết, nghề trồng cây cảnh lá ở Cái Mơn đã có từ trăm năm trước, thế hệ sau lai tạo, nhập mới cho cây lá Cái  Mơn ngày thêm phong phú, mới lạ. Toàn xã Vĩnh Thành có trên 3.500 hộ dân, đã có 2.500 hộ trồng cây cảnh. Số hộ còn lại trồng hoa, ươm giống các loại cây ăn trái… bình quân thu nhập của người trồng cây cảnh, mỗi hécta cho 20 triệu đồng/năm. Nhưng có nhiều hộ, đầu tư tốt, tính toán giỏi thu nhập lên tới 70, 80 triệu đồng/ha/năm, 20% số hộ trồng cây cảnh ở Cái Mơn mỗi năm gặt hái tiền tỷ. Hiện tại Cái Mơn không có hộ nghèo, đường bê tông nối liền khu dân cư với nhau.

Trăm nghe không bằng một thấy. Anh bí thư đưa tôi đi từ gia đình mới chia tay nghèo khó, đến gia đình khá giả thực sự. Ấn tượng nhất trong những hộ trồng cây cảnh với tôi là gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt Thu. 20 công đất của chị, có đủ loại kim phát tài, cau sâm banh, mai chiếu thủy… được trồng rất đúng kỹ thuật. Cây nào cũng mơn mởn lá cành. Chị nông dân Cái Mơn thổ lộ ước mơ của mình là sẽ cho cô con gái đi du học. Tôi cầu chúc cho ước mơ của chị thành hiện thực.

Tạm biệt những khu vườn “xanh như ngọc”, anh Hải đưa chúng tôi đến với những gia đình trồng cây ăn trái và sản xuất cây giống. Tất nhiên, đã về với Cái Mơn thì không thể không ghé thăm gia đình nhà anh Chín Hóa. Ông vua của giống sầu riêng “cơm vàng, hạt lép” đang chiếm lĩnh thương trường mấy năm nay. Căn nhà 2 tầng nằm giữa vườn cây xanh ngăn ngắt, báo cho tôi biết chủ nhân của nó đang ăn ra làm nên.

Sau khi đứng chiêm ngưỡng cây sầu riêng đại thụ, đã sản sinh ra hàng ngàn cây con, cây cháu dâng cho đời giống sầu riêng đặc biệt, chúng tôi vào nhà nếm từng múi sầu riêng cơm vàng, hạt lép ngọt ngon, béo ngậy mà bà chủ nhà Võ Thị Tuyết hiếu khách vừa bóc ra mời… Mọi cái đẹp về Cái Mơn, vùng cây cảnh lá, trái cây thấm đẫm tâm hồn tôi.

Những cây cầu tình nghĩa

Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) cầu đường Bến Tre được thành lập sớm nhất. Có lẽ quá bức xúc với hiện trạng giao thông nông thôn, nên lãnh đạo tỉnh đã khuyến khích, động viên những ai tâm huyết với công cuộc nâng cấp cầu, đường nông thôn tập hợp lại thành lập hội. Từ đó vận động mọi tổ chức cá nhân gần xa đóng góp công, của thực hiện mục tiêu tốt đẹp của mình.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, những việc đã làm được của Hội KHKT cầu đường Bến Tre khẳng định vị thế của mình trong đời sống xã hội, chính vì vậy mà số lượng hội viên theo ngày tháng gia tăng. Kỹ sư trẻ Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn cầu đường Bến Tre (đơn vị trực thuộc hội) cho tôi biết những con số phấn khởi. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2014, trung tâm đã thực hiện được 11 công trình cầu, đường giá trị 843 triệu đồng. Hiện tại, trung tâm đang tiến hành thực hiện 23 công trình, tổng kinh phí lên đến hơn 1,2 tỷ đồng. Số tiền ấy là do lãnh đạo hội đi vận động bốn phương, tám hướng mà có…

Trước khi chia tay, một thành viên ban lãnh đạo hội nhắn gửi: “Để có trăm cây cầu bê tông, cầu treo thay cho cầu khỉ, trăm kilômét đường bê tông thay cho đường đất lầy lội, anh viết gì thì viết nhưng không thể thiếu lời cảm ơn của người dân xứ dừa với những tập thể cá nhân đã nhiệt thành giúp đỡ…”.

Cứ mỗi lần về với Bến Tre, đắm hồn trong tiếng lá dừa xào xạc, tôi gặt hái được nhiều chữ nghĩa, thơ phú lắm. Tôi xin được mạn phép đưa ra mấy câu thơ, tạm gọi là đúc kết nhìn nhận của mình về đất và người xứ dừa đôn hậu, nghĩa nhân: Sự hào phóng của đất đai sông nước/ Đã làm nên khí phách của con người/ Giữa đạn bom vẫn chói ngời khao khát/ Trước phong ba vẫn đằm thắm nụ cười. Chiều cuối đông, tôi đã nghe tiếng xuân đâu đây gần lắm, ước gì mình được bay ngay về Bến Tre để cất lên lời reo: “Đẹp mãi xứ dừa!”.

PHẠM MINH DŨNG

Tin cùng chuyên mục