Đẹp hoài trong mắt nhau

Thời gian trôi đi, nhiều việc xảy ra khiến cho hình ảnh của chúng ta trong mắt người thương dần trở nên không đẹp nữa. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có khi càng chung sống lâu dài, người ta lại càng nhìn thấy ở nhau nhiều vẻ đẹp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

1. “Chị muốn ly hôn”. Trong buổi trà chiều, người chị lớn trong nhóm chúng tôi bình thản nói ra câu ấy, khiến mấy đứa em sững lại. Chúng tôi là nhóm “chị em bạn dì”, cùng làm việc với nhau ở một nơi khi vừa ra trường. Chị nhanh nhẹn hoạt bát, giỏi làm ăn, lấy một người chồng rất thương yêu vợ. Bảy năm bên nhau, họ đã tạo dựng được một khối tài sản kha khá, con càng lớn càng giỏi giang lanh lợi. Và anh chồng, theo chúng tôi cảm nhận, là vẫn hết lòng hướng về vợ con. Vậy thì tại sao?

Chị nói, ngay từ sau ngày cưới, những ứng xử, cử chỉ của anh khiến chị dần dần không thể dành cho anh sự tôn trọng như ban đầu. Rất nhiều chuyện, nhưng cái chính là gia đình anh: Mẹ và em gái, chị gái anh rất “ghê gớm”, bắt anh cung phụng đủ đường, yêu cầu những thứ vô lý. Bản tính cứng cỏi nên chị nhiều lần đứng lên phản ứng, đòi lại công bằng cho chính anh và gia đình nhỏ của anh chị.

Nhưng đổi lại, anh chưa một lần bênh vực vợ, chỉ biết sau lưng âm thầm làm theo lời mẹ, lời chị em gái. Chị cho rằng anh nhu nhược, không có bản lĩnh “tề gia”, không có tiếng nói trong gia đình dù là trụ cột kinh tế. Thêm nhiều chuyện khác nữa xảy đến cả trong công việc và đời sống gia đình, anh đều không chứng tỏ được vai trò cứng rắn, quyết định của người đàn ông. “Khinh thường chồng thì chưa đến mức, nhưng chị thấy chán nản, cô đơn, thấy bản thân không thể dựa vào một người không có bản lĩnh như thế”, chị tâm sự.

2. “Em dạo này cũng khác lắm, biết không?”. Chồng tôi đã rất ngập ngừng khi nói ra câu đó. Anh vốn kiệm lời, lại càng rất ít nhận xét về người khác, anh bảo đừng phán xét một ai để mọi người cũng không phán xét về mình. Tôi gặng hỏi nhưng anh không nói gì thêm.

CN4 mai am.jpg
Năm tháng đi qua, mỗi người vì nhau và trọn vẹn hơn qua từng ngày. Ảnh: NSNA SỸ BÙI

Lời nhận xét hiếm hoi của anh, kèm theo ánh mắt buồn và có phần thất vọng khiến tôi mất khá nhiều thời gian suy nghĩ, rồi nhận ra anh nói đúng. Chẳng biết từ khi nào, tôi bắt đầu phàn nàn nhiều hơn về những người xung quanh. Từ người em ở chung, đến người họ hàng, đồng nghiệp có cách cư xử mà theo tôi là kỳ quặc, là không chuẩn mực, không biết điều. Tôi kể về những điều đó cho chồng nghe, có lẽ với một thái độ có phần nặng nề, hậm hực. Đó không phải là cách cư xử của chúng tôi ngày trước. Trước đây, với những việc như thế, tôi thường có thái độ ôn hòa hơn, thẳng thắn góp ý hoặc nếu không thì bỏ qua luôn, chẳng giữ trong lòng. Bây giờ, tôi thậm chí có thể nổi giận với cả đứa con nhỏ của mình, thay vì kiên nhẫn lắng nghe và giải thích - phương châm mà chúng tôi đã đặt ra từ đầu trong việc nuôi dạy con.

Lời nhắc của chồng khiến tôi như bừng tỉnh, tự nhủ lòng, may quá, mình chưa đi quá xa, để trở thành một người “xấu xí” không thể cứu vãn nổi.

3. Anh họ tôi là giáo viên thể dục. Anh mạnh mẽ, chín chắn, nhưng hiền lành ít nói nên hơn 30 tuổi mới lấy được vợ. Ở quê mà như thế là đã hơi “ế”. Lấy nhau một thời gian, nhiều phen họ hàng dở cười dở khóc với vợ anh. Chị tốt tính nhưng tuệch toạc, ăn nói bốp chát chẳng nhìn trước sau gì. Vì cái tính ấy mà lắm khi anh chị gây nhau ỏm tỏi, họ hàng lại phải vào khuyên can. Chị lại không có công việc ổn định, mới kêu đang bán hàng chỗ này, vài tháng sau lại thấy chuyển chỗ khác làm. Ai cũng lắc đầu, bảo không biết anh chị ở với nhau được bao lâu.

Bẵng đi gần 15 năm xa nhà không có nhiều tin tức, khi quay về, tôi ngạc nhiên vì thấy anh chị… khác quá. Chị bây giờ làm giáo viên tiếng Anh cho một trung tâm gần nhà. Anh có bằng thạc sĩ giáo dục thể chất, là một huấn luyện viên có tiếng mát tay trong các giải thể thao nho nhỏ ở tỉnh. Gia đình êm ấm thuận hòa. Hỏi bí quyết, anh bảo anh chị vì thương nhau mà dần thay đổi lúc nào không hay. Biết anh coi trọng chuyện học hành, ổn định công việc, nên chị cố gắng học thêm tiếng Anh rồi thi trúng tuyển giáo viên.

Cũng gần 30 tuổi rồi, con cái bận bịu nên học hành không phải chuyện dễ. Anh cảm động khi thấy cảnh nhiều đêm chị chờ con ngủ, chong đèn ngồi học bài tới quá khuya. Tính cách chị từ đó cũng điềm tĩnh hơn, không còn hay la lối om sòm như trước. Còn anh, biết chị muốn chồng phát triển sự nghiệp, thỏa đam mê của mình nên anh cũng cố gắng học lên, mạnh dạn mở lớp dạy bơi, dạy nhịp điệu, vừa để kiếm thêm thu nhập vừa gây dựng đội tuyển đi thi các giải.

Ông anh kiệm lời ngày nào giờ biết đúc kết một câu hoa mỹ: “Chị của em càng ngày càng dễ thương mà nhỉ?”. Vâng, vì thương nhau mà anh chị cố gắng phát triển bản thân, để mình đẹp hơn trong mắt đối phương, trở nên phiên bản tốt hơn của chính mình, làm cho bản thân mình có giá trị hơn. Đó cũng là lúc hình ảnh của mình trong mắt đối phương trở nên lung linh dù phải trải qua những biến cố, thăng trầm của đời sống.

Tin cùng chuyên mục