Chuyên khoa Hô hấp

Đeo khẩu trang có giúp ngăn ngừa cúm không?

Đeo khẩu trang có giúp ngăn ngừa cúm không?

Bạn đọc Như, 24 tuổi, nữ, Đồng Nai: Gần đây em nghe nói nhiều về cúm mùa, bệnh này khác với cúm thông thường ra sao? Làm sao nhận biết cúm mùa? Đeo khẩu trang có giúp ngăn ngừa cúm mùa không ạ? Em cám ơn bác sĩ.

BS-CKII Huỳnh Thị Mai Ly, Bác sĩ Nội hô hấp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:

Chào bạn Như,

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến bác sĩ. Thời điểm giao mùa cùng với tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn khiến nguy cơ mắc cúm mùa gia tăng, trở thành mối quan tâm lớn của mọi người. Dưới đây là những thông tin giúp bạn nhận biết được cúm mùa, từ đó có các biện pháp cụ thể để phòng ngừa bệnh.

Sự khác nhau giữa cúm mùa và cảm lạnh

Bản chất 2 bệnh này là khác nhau về nguyên nhân và cơ chế bệnh. Triệu chứng của cúm khởi phát đột ngột và thường biểu hiện nặng nề hơn so với cảm lạnh thông thường. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền.

Một số dấu hiệu đặc trưng của cúm:

  • Sốt cao 38-40°C, ớn lạnh
  • Đau nhức toàn thân, mệt mỏi cực độ
  • Đau họng, ho khan, có thể ho nặng dần
  • Nghẹt mũi, sổ mũi, đau đầu
  • Chán ăn, buồn nôn, đôi khi tiêu chảy

Nếu chỉ xuất hiện các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi hay đau họng nhẹ, rất có thể đó chỉ là cảm lạnh và sẽ tự khỏi. Người mắc bệnh cúm cũng có khả năng tự hồi phục, nhưng một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy hô hấp cấp do viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Nếu người bệnh bị sốt cao kéo dài từ 2-3 ngày, đau nhức toàn thân, mệt mỏi nghiêm trọng, khó thở, chóng mặt, lú lẫn hoặc nôn ói liên tục, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đeo khẩu trang có giúp ngăn ngừa cúm mùa không?

Khẩu trang là một biện pháp bảo vệ hữu ích, giúp ngăn chặn giọt bắn từ người mắc bệnh cúm mùa khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Tuy nhiên, đây chỉ là lớp bảo vệ bên ngoài và cần được kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác như:

  • Dùng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để che khi ho hoặc hắt hơi.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi ho hoặc hắt hơi.
  • Không khạc nhổ tùy tiện tại nơi công cộng.
  • Hạn chế tiếp xúc gần với người đang mắc cúm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh với các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt cao.
  • Tiêm phòng vaccine cúm mùa mỗi năm/lần.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lối sống lành mạnh để phòng ngừa vi rút cúm.
  • Thường xuyên vận động thể lực nhằm nâng cao sức khỏe và sức đề kháng.

Lưu ý: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được xử trí kịp thời.

Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.

Tin cùng chuyên mục