Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng từ lâu đã được mệnh danh là thủ phủ ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Ngành trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa tại đây từng có những bước thăng trầm do sự cạnh tranh của thị trường tơ thế giới, nhưng trong vài năm gần đây tơ lụa ở xứ B'Lao (tên gọi cũ bao gồm TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm ngày nay) đã từng bước phục hồi nhờ thay đổi công nghệ sản xuất tơ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo UBND TP Bảo Lộc, công nghệ sản xuất, chế biến tơ lụa và các sản phẩm dệt may từ tơ lụa của thành phố Bảo Lộc đã được đầu tư bài bản với nhiều thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao. Địa phương cũng đã hỗ trợ người dân chuyển đổi từ giống cũ sang giống mới cho năng suất cao.
Việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ trồng, thâm canh giống dâu đến kỹ thuật nuôi tằm chất lượng cao đã giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng kén đầu vào cho sản xuất tơ lụa.
Riêng trong năm 2016, tổng sản lượng tơ của TP Bảo Lộc là 1.626,7 tấn, tổng sản lượng lụa là 5,68 triệu mét vuông, chiếm 75% năng lực ươm tơ, 70% năng lực se tơ dệt lụa của cả nước, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu ra nhiều nước như: Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, các nước Châu Âu, Thái Lan, Lào, Bangladesh, Indonesia...
Phía sau những bộ trang phục bằng lụa tơ tằm là cả quá trình dài với hàng chục công đoạn tỉ mỉ và chính xác tuyệt đối nối tiếp nhau từ cánh đồng cho đến nhà máy.
>> Báo SGGP xin giới thiệu đến bạn đọc quy trình sản xuất lụa tơ tằm tại đây:
Phần lớn diện tích dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng đã được chuyển đổi qua giống mới, năng xuất cao. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Sau khi thu hái, lá dâu được thái nhỏ để cho tằm con ăn. Phần lớn người dân áp dụng phương pháp nuôi tằm dưới nền nhà. Cách nuôi này giúp giảm công lao động rất nhiều vì không phải thay phân tằm mỗi ngày như nuôi trên nong trước đây. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Kén tằm sau khi được thu mua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sau đó chủ yếu được gom về TP Bảo Lộc để ươm tơ. Trước khi đưa vào dàn ươm, kén tằm được lựa chọn, phân loại kỹ lưỡng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
TP Bảo Lộc hiện có 22 đơn vị ươm tơ, dệt lụa cả tự động và cơ khí, với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc cải tiến nhiều so với trước kia giúp chất lượng tơ sợi của Bảo Lộc ngày càng được nâng cao. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Trung bình để se được 1 sợi tơ phải sử dụng 10 cái kén, độ dài sợi tơ phụ thuộc vào chất lượng kén. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Sau khi được kiểm tra chất lượng, tơ thô sẽ trải qua rất nhiều công đoạn như: Làm mềm, phơi sấy khô, đánh ống, chập sợi, mắc sợi, hấp, đảo sợi, đánh suốt, mắc sợi lên dệt, chuội nhuộm và in hoa. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Công nhân vận hành máy đánh ống tơ. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Theo quy trình vận hành máy đánh ống thì máy móc và tay người lao động phải sạch sẽ trước khi tiếp xúc với sợi tơ, tốc độ các máy chạy cùng một mặt hàng phải đều nhau. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Chập sợi tơ (nhiều sợi tơ lại với nhau tùy từng mặt hàng), tơ sau đó sẽ được đưa sang máy se sợi để thực hiện công đoạn tiếp theo. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Phần lớn lao động trong ngành dệt lụa tơ tằm là phụ nữ. Tất cả các khâu dệt lụa đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác tuyệt đối của người công nhân. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Tại thủ phủ dâu tằm tơ Việt Nam, nhiều nhà máy quy mô lớn được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Công nhân kiểm tra và loại bỏ phần tơ thừa trên tấm lụa thô trước khi đi in họa tiết, hoa văn. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Những tấm lụa thành phẩm cao cấp có giá khoảng 1 triệu đồng/mét sẽ được cung cấp ra thị trường. Nghề ươm tơ, dệt lụa đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn TP Bảo Lộc. Ngành nghề này cũng đóng góp rất lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của địa phương với khoảng 10 triệu USD/năm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN