Đến với những hoàn cảnh ngặt nghèo

“Bé sinh hôm 22-9 đó cô, cha đặt trước cho cái tên Trần Gia Bảo, với ý nghĩa là báu vật của gia đình. Chỉ tiếc, con chào đời thì đã không còn được nhìn thấy cha…”, chị Như ôm con, nước mắt chảy dài. 

Nhọc nhằn vượt cạn

“Lúc đó là 0 giờ 10 phút ngày 28-8, ảnh ho mấy cái rồi… ngưng thở. Mình chỉ biết ôm bụng bầu gần 35 tuần, khuỵu xuống cạnh bên. Ảnh bị sốt vài ngày trước, chỉ nghĩ là cảm sốt thông thường nên tự mua thuốc uống, ngờ đâu là mắc Covid-19. Đến tận bây giờ vẫn không thể tin rằng chồng đã mất”, chị Phan Thị Tố Như (40 tuổi, công nhân một xưởng sản xuất xe đạp, ở trọ tại khu phố 4, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) vừa kể vừa khóc. Chị bảo không biết những tháng ngày tới, cuộc sống mẹ con chị sẽ ra sao khi không còn cha đứa bé bên cạnh.

Giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng, tối 21-9, chị Như chuyển dạ.  Hành trình “vượt cạn mồ côi” của chị quá nhọc nhằn, cô đơn. Chúng tôi đến thăm chị tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ khi đứa bé còn đỏ hỏn, mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ. Bác sĩ đưa chúng tôi đến nhìn bé trai kháu khỉnh, nói: “Thằng nhỏ ngoan, không la hét, quấy khóc nhiều. Giờ có hai mẹ con à, thấy thương lắm! Chiều nay được về nhà rồi”. 

Quay qua ôm con, chị Như nói, từ khi chồng mất, chị chưa có đêm nào yên giấc, nhiều khi thức trắng đêm. Sau khi chồng chị được đưa đi, y tế phường làm xét nghiệm nhanh, bản thân chị cũng mắc Covid-19, được điều trị ở BV Hùng Vương. Siêu âm em bé khỏe, chị chuyển vào BV dã chiến số 16, điều trị mười mấy ngày, hết bệnh về nhà cách ly tiếp 1 tuần, rồi vỡ ối mới đi sinh.

“Một mình đi BV chữa trị Covid-19, một mình đi sinh con, một mình vượt qua đau đớn sinh nở và nỗi đau không còn người thân bên cạnh. Dù khổ đau đến mấy, giờ cũng phải gắng sống vì đứa nhỏ…”, chị Như gạt nước mắt, tâm sự. 

Đến và đi… một mình

“Em ký tên nhận hỗ trợ từ chương trình “Đồng hành vượt cạn” nhé! Ký ở đây nghen!”. “Em không biết chữ chị ạ!”. Cả chúng tôi lẫn sản phụ Ksor H’Đui (29 tuổi, quê ở xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai) có chút bối rối, bác sĩ Phan Thị Thủy, Trưởng khoa Khoa sản A BV Từ Dũ, vội đề nghị ký nhận thay em phần tiền hỗ trợ từ chương trình.

Đến với những hoàn cảnh ngặt nghèo ảnh 1 Đại diện Báo SGGP và Hội Hộ sinh TPHCM thăm sản phụ Ksor H’Đui tại BV Từ Dũ

Ngồi thẫn thờ trên giường bệnh, H’Đui cho biết làm công nhân ở Bình Dương mới được 1 tháng thì công ty cho nghỉ. Em mang thai lại thất nghiệp nhiều tháng ròng, lạ đất lạ người nên chỉ biết ngồi trong nhà trọ, sống nhờ tình thương của người chị dâu. 

“Chồng bỏ rồi, em từ quê xuống Bình Dương ở với chị, đi làm công nhân, mong kiếm tiền lo cho con. Hôm em được đưa vào BV Bình Dương, nặng quá, các bác sĩ chuyển lên TPHCM. Em sinh non, con cũng bỏ em đi rồi, chiều nay em về Bình Dương, một mình…”, H’Đui nói, em không khóc.

Dường như nước mắt đã cạn khô sau quá nhiều ngày đau đớn, sau hành trình vượt cạn không một người thân bên cạnh. Bác sĩ Phan Thị Thủy cho biết, H’Đui là trường hợp có bệnh lý tiền sản giật, gây biến chứng sản giật, được chuyển từ tỉnh về trong tình trạng nguy hiểm.

Bác sĩ Thủy nói: “BV đã lựa chọn phương pháp phù hợp giúp H’Đui giữ được mạng sống sau cơn “vượt cạn” bất thường, nhưng sau này bệnh lý sẽ còn diễn tiến. Biết em ở tỉnh, hoàn cảnh khó khăn, BV hỗ trợ xe cộ đưa em về nhà trọ”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyết Hằng, Trưởng phòng Điều dưỡng BV Từ Dũ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hộ sinh TPHCM, kể: “Lúc H’Đui xuống đây điều trị không có người thân đi theo, không có cả tiền mua cơm. Chúng tôi thương quá, góp tiền cơm cho em từng bữa, viện phí BV cũng có chính sách miễn giảm. Đây là trường hợp hết sức thương tâm, chương trình “Đồng hành vượt cạn” đến với H’Đui thật kịp lúc”.

Thấu hiểu, yêu thương

Theo bác sĩ Phan Thị Thủy, sinh con trong mùa dịch rất vất vả với sản phụ và cả người nhà. Với những hoàn cảnh nghèo khó thì càng chật vật hơn. 

Nói về sự hỗ trợ, đồng hành cùng các thai phụ hoàn cảnh ngặt nghèo vượt cạn, bác sĩ Thủy cho biết: chương trình “Đồng hành vượt cạn” có ý nghĩa rất nhân văn, động viên, tiếp sức cho thai phụ có thêm động lực, niềm tin để cố gắng. “Sự đồng hành, ở thời điểm này, thể hiện cái tình cái nghĩa quá sâu sắc, lớn lao”, bác sĩ Thủy cảm kích bày tỏ.

Thạc sĩ điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyết Hằng thông tin, đến thời điểm hiện tại, Hội Hộ sinh TPHCM đã ghi nhận rất nhiều trường hợp thai phụ, sản phụ cần giúp đỡ, trong đó có các trường hợp đang sinh và mổ tại BV Từ Dũ trong tình cảnh ngặt nghèo.

Chị Hằng chia sẻ: “Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, có sản phụ buộc phải tự mình xoay xở mọi thứ vì người thân bị F0, bị cách ly, thậm chí mất vì Covid-19. Có chương trình “Đồng hành vượt cạn” là có thêm sự thấu hiểu, yêu thương từ xã hội, giúp các thai phụ vượt qua bệnh tật, khó khăn”.

Chương trình “Đồng hành vượt cạn” (do Báo SGGP tổ chức; phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, Hội Hộ sinh TPHCM; với sự đồng hành của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Hội Nữ doanh nhân TPHCM và Quỹ CTXH Anh hùng LLVTND Phan Trọng Bình) hiện đã tiếp nhận hơn 1.700 hồ sơ đề nghị được giúp đỡ.

Đến ngày 4-10, chương trình đã trao hỗ trợ hơn 400 thai phụ khó khăn tại các quận, huyện, TP Thủ Đức và BV Từ Dũ. Ngoài hỗ trợ 3 triệu đồng/thai phụ, chương trình còn tư vấn thủ tục cần thiết trong quá trình thăm khám thai, sinh nở và hỗ trợ xe đưa thai phụ đi sinh.

Tin cùng chuyên mục