Mặc dù đã có ít nhiều kinh nghiệm, nhưng để có được một chuyến đi thăm, khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho kiều bào và người dân Lào có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại tỉnh Attapeu cách TPHCM hàng ngàn cây số và phải đi qua hai cửa khẩu, chúng tôi vẫn phải tốn khá nhiều công sức.
Trong suốt 3 tháng Ban tổ chức chuyến đi phải chia nhau vận động nhà tài trợ, động viên lực lượng y bác sĩ, liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse, Sở Ngoại vụ tỉnh Attapeu, điện đàm với Hội người Việt Nam tại Attapeu, làm việc với nhiều sở ngành liên quan và nhất là vào giờ cuối phải giải quyết một trục trặc bất ngờ.
Ngoài ra, còn có hơn 30 cuộc họp lớn nhỏ, 10 công đoạn phải làm và hàng trăm đầu việc không tên…, có những khó khăn đôi lúc tưởng chừng không vượt qua, buồn, vui, hồi hộp… lẫn lộn nhưng cuối cùng chúng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm khi nhận được quyết định của UBND TPHCM cho phép Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP cử đoàn công tác sang nước Lào anh em.
Cuộc hành trình đến với kiều bào tại Attapeu kéo dài 5 ngày 4 đêm. Hai cán bộ trẻ được phân công bốc xếp hơn 700kg quà tặng gồm: sữa, xúc xích, lạp xưởng và 14 thùng thuốc tây, dụng cụ y khoa từ kho cơ quan lên xe để chuẩn bị cho chuyến đi.
Đến đất bạn Lào, bất chấp cơn mưa Lào chợt đến chợt đi, cả đoàn thật bất ngờ khi có xe cảnh sát du lịch Lào với 2 anh chàng đẹp trai dẫn đường. Cô hướng dẫn viên người Lào có 5 năm học tiếng Việt cho biết, họ sẽ cùng đồng hành với chúng tôi cho đến khi ra khỏi biên giới Lào. Thì ra đây là một nét mới trong chính sách thu hút du lịch của nước bạn.
Các em nhỏ người Lào nhận quà của đoàn
Đường từ Pakse đến Attapeu hơn 240 cây số. Lên đèo rồi lại lên đèo, xe qua những chiếc cầu đá bắc ngang những dòng suối lớn, tránh những đàn bò, đàn dê lì lợm chặn ngang đường đến khi xung quanh chỉ toàn cây xanh trăm tuổi xếp ngẫu nhiên thành hàng dưới thung lũng và trên những đồi núi chập chùng kéo dài tưởng chừng như vô tận. Ai cũng ngẩn ngơ trước cảnh vật hùng vĩ, giàu có mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước triệu voi.
Đường bắt đầu xuống đèo. Trên xe chúng tôi tập hát theo đĩa bài Lâm Tơi có một đoạn bằng tiếng Lào do một nữ ca sĩ Việt Nam trình bày để chuẩn bị cho buổi tối giao lưu. Nghe chúng tôi hát tiếng Lào, cô hướng dẫn viên bật cười vì chỉ hiểu được một vài từ. Đáp lại, cô hát cho chúng tôi nghe một bài dân ca với giọng chuẩn Lào và hướng dẫn các chị trong đoàn sử dụng đôi tay khi múa lâm vông. Ngoài trời cơn mưa Lào nhẹ hạt. Nắng lên đến đỉnh đầu. Vừa khi trong đoàn có người kêu đói thì cũng là lúc Attapeu đang trước mặt.
Cảnh vật Attapeu đẹp một cách thanh bình. Chúng tôi ăn cơm Lào và ở khách sạn Hoàng Anh Attapeu chỉ cách trụ sở Hội người Việt Nam tỉnh Attapeu chưa đầy nửa cây số. Đêm ấy, đoàn công tác được bà con kiều bào Attapeu tiếp đón như những người thân lâu ngày gặp mặt. Chúng tôi cùng ăn thịt nướng, uống bia Lào, hàn huyên tâm sự, ca hát và múa lâm vông đến gần nửa đêm. Cùng dự giao lưu còn có nhiều cán bộ hưu trí và người dân Lào nói tiếng Việt rất sõi.
Một cô gái Lào hát bài Sợi nhớ sợi thương của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với giọng phát âm hay và ngọt ngào đến nỗi một anh trong đoàn phải chạy lên sân khấu để cùng song ca. Lạ một điều, bà con ở đây hát toàn nhạc cách mạng Việt Nam, hát thật say sưa, nên đến khi nghe đoàn hát bài Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, lập tức tất cả cùng đứng dậy múa và hát theo rất nhịp nhàng hòa quyện.
Tiếng hát Lào - Việt cất lên mạnh mẽ giữa đêm khuya Attapeu làm lay động hồn người. Sự đoàn kết vô tư hết sức tự nhiên khiến chúng tôi không nghĩ mình đang sống ở nước ngoài.
Đêm Attapeu trôi qua. Ngày chính thức khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho kiều bào và người dân Lào có hoàn cảnh khó khăn bắt đầu. Suốt từ sáng đến chiều, hơn 500 người được các bác sĩ Việt Nam khám bệnh, phát thuốc và nhận quà tặng từ đại diện đoàn công tác. Dù có tất bật, mệt nhoài nhưng mọi người tràn đầy hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc chỉ có thể có được giữa người cho và người nhận.
Sau ngày làm việc sôi động, đoàn công tác tạm biệt vùng đất này với bao cảm xúc. Dòng đời cứ trôi, nỗi nhớ của mỗi người rồi cũng sẽ khác nhau, nhưng chắc chắn không ai trong đoàn chúng tôi quên được hình ảnh cô hướng dẫn viên và 2 anh cảnh sát du lịch Lào đứng vẫy tay nhỏ dần, nhỏ dần… tại cửa khẩu Nongnokkheane.
Đang ngồi trên xe bất chợt tôi tìm thấy trong túi áo một mảnh giấy có ghi bốn câu thơ của Bác Hồ bằng nét chữ nghiêng mềm mại của cô hướng dẫn viên người Lào. Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long.