Đầu tháng 8 âm lịch thỉnh thoảng tôi thường nghe các giai điệu bài hát hết sức vui tai: “Tết Trung thu em xách đèn đi chơi… tùng chinh chinh, cắc tùng chính chính…” ở đâu đó vang lên và luôn thấy các cửa hàng trưng bày bán bánh Trung thu treo lủng lẳng nhiều lồng đèn đẹp, đủ kiểu màu sắc sặc sỡ. Có thứ xài bằng pin khi mở đèn phát kèm thêm điệu nhạc vui, có thứ đốt đèn cầy cắm trong lồng, hay những chiếc lồng đèn hình các con thú do các cơ sở trong nước sản xuất.
Quan sát thị trường đèn Trung thu phong phú và bắt mắt mà trong lòng tôi dâng lên những nỗi niềm vui buồn lẫn lộn, rồi thầm nghĩ lũ trẻ bây giờ sướng thật. Đối với những gia đình lao động bình thường cũng không ngần ngại mua sắm cho con chiếc lồng đèn mà con yêu thích để đêm trăng rằm đến trường cùng bạn bè ca hát, nhảy múa vui với nhau. Trẻ con còn được cha mẹ mua cho vài chiếc bánh Trung thu nhân thập cẩm ngon để vừa chơi rước đèn vừa nhâm nhi thưởng thức hương vị ngọt thơm của bánh, hương vị vui nhộn thanh bình của đêm Trung thu.
Hồi tôi còn đi học tiểu học, trước Tết Trung thu vài ngày là thầy giáo dành tiết thủ công dạy học sinh làm lồng đèn ngôi sao, vật dụng dễ tìm là vài cọng nan vót từ cây trúc, ít giấy kiếng màu, vài cọng kẽm nhỏ, chút hồ; trong tiết học thầy hết giúp bạn này cắt giấy đến bạn khác vót nan, cột kẽm để hoàn thành sản phẩm của mình. Thầy nói: Lồng đèn các em làm trước hết thầy chấm điểm môn thủ công, sau đó các em mang về để tối khi trăng lên đi rước đèn với bạn trong xóm, tôi vụng về xoay trở mãi làm rất khó khăn mà cái đèn mình làm ra trông xấu xí chẳng ra gì, giấy kiếng dán không căng, còn hồ thì nham nhở.
Lúc đi học về tôi nằng nặc đòi ba tôi làm cho tôi cái đèn ngôi sao khác cho thật đẹp để khoe với bạn bè chứ cầm chiếc đèn tôi làm thì tôi không chịu. Ba tôi nghe tôi khóc và năn nỉ quá cũng đồng ý và hứa sẽ làm cho tôi cái lồng đèn mới nhưng vì công việc làm ruộng tất tả cả ngày, chiều tối mịt mới về nên không có thời gian rảnh làm lồng đèn Trung thu, chờ riết không thấy, tôi lại nhắc, ba nói: “Sáng nay, ba đi ruộng lúc nghỉ trưa ba làm chiều mang về cho con”. Chiều hôm đó tôi đi học về cứ chốc chốc chạy ra ngõ ngóng ba, khi thấy chiếc xe bò xa xa là tôi nhận ra ổng, rồi chờ ba dừng xe mở bò ra cột chuồng là tôi hỏi: “Lồng đèn đâu ba”, ba tôi từ từ lật cái bao lên lấy ra từ trong cái thúng chiếc lồng đèn làm bằng vỏ lon sữa bò, tôi không chịu chê là kỳ cục, không đẹp bằng đèn dán bằng giấy kiếng màu.
Ba từ tốn nói: “Làm cái đèn này cực lắm con, phải dùng mũi liềm bén cắt theo chiều dọc cái lon cho thẳng thớm và mấy cọng nan cho đều, sau dùng tay ấn nhẹ xuống để thành lồng đèn, dùng kẽm làm quay móc để con treo đầu nhánh trúc, con xách đi chơi cũng được mà”. Nghe ba giải thích như vậy tôi cũng vui vẻ nhận, tối đó ba tỉ mỉ cắm cây đèn cầy vào cài lồng đèn làm bằng lon sữa bò cho tôi đi rước đèn với các bạn trong xóm. Nhìn thấy cái lồng đèn lạ lẫm đứa nào cũng nhao nhao hỏi tôi mua ở đâu mà cái đèn đẹp quá xá, không sợ cháy khi đèn cầy lỡ bị ngã hay bị ướt khi trời đổ mưa. Tôi nghe vậy mà thấm thía trong lòng tình cảm ba dành cho tôi mà tôi không hay không biết.
Đêm Tết Trung thu mấy năm gần đây đâu có hình ảnh trẻ con nào rước đèn làm bằng vỏ lon sữa bò, bởi vì cuộc sống bây giờ phát triển, ai cũng có điều kiện khá giả nên con cần đèn lồng đẹp thì cha mẹ ra chợ mua ngay. Đâu còn cảnh như ngày xưa lũ trẻ chúng tôi ở miền quê vốn dĩ gia đình nghèo túng nên ba mẹ thường giúp con làm cái lồng đèn, dù có thô sơ, mộc mạc để đón Tết Trung thu nhưng thắm thiết tình cảm gia đình, thấm đẫm cái tình quê thi vị.
Trần Văn Tám (Củ Chi)