Giảm dần vật liệu gây hại môi trường
Nhiều thành phố lớn trên thế giới đang giảm dần việc sử dụng vật liệu xây dựng gây hại đến môi trường. TPHCM cũng đi theo xu hướng này bằng việc quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn TPHCM đến năm 2020; chú trọng kết hợp hài hòa các yếu tố như hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, TPHCM sẽ phát triển những loại vật liệu xây dựng có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít tốn năng lượng và nhiên liệu; dần chấm dứt hoạt động của các cơ sở sử dụng đất sét để sản xuất gạch ngói nung bằng lò thủ công; di dời các nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng ra khỏi thành phố.
Với nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng rất lớn, đáp ứng theo tốc độ đô thị hóa nhanh thì bên cạnh sản xuất đủ số lượng vật liệu, các chuyên gia vật liệu xây dựng còn nhận định TPHCM cần có thêm chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vật liệu xây dựng xanh, có lợi cho môi trường, phù hợp với chiến lược phát triển TPHCM trở thành một đô thị hiện đại, thông minh trong tương lai. Trước mắt, TPHCM cần đẩy mạnh sử dụng gạch không nung thay thế gạch đất sét nung như gạch xi măng - cốt liệu, gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm panel từ bê tông khí chưng áp, tấm tường thạch cao... Các sản phẩm này vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, vật liệu thân thiện môi trường cho công trình xanh là xu hướng tất yếu của các đô thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó có TPHCM. Đi vào chi tiết, ông Trần Trọng Tuấn cho rằng, tùy vào từng dự án cụ thể mà chủ đầu tư quyết định sử dụng loại vật liệu nào phù hợp. Tuy nhiên, ý thức của chủ đầu tư và trách nhiệm của các đơn vị tư vấn sử dụng vật liệu xanh cho công trình là yếu tố quan trọng, giúp chuyển biến bộ mặt đô thị có thêm nhiều công trình xanh.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất
“Về quản lý nhà nước, TPHCM đang thực hiện khá tốt chương trình sử dụng vật liệu xây không nung. Cách đây 5 năm, TP đã chấm dứt việc sản xuất gạch đất sét nung trên toàn địa bàn và tuyên truyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật liệu không nung. Đi kèm theo đó là yêu cầu các công trình sử dụng vốn ngân sách phải sử dụng vật liệu xây không nung. Sở Xây dựng TP trong quá trình thẩm định dự án cũng khuyến khích, bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung và thậm chí xử lý những trường hợp thực hiện không nghiệm túc”, ông Tuấn thông tin thêm.
Về pháp lý, Bộ Xây dựng vào năm 2012 đã ban hành Thông tư 09/2012/TT - BXD quy định các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo lộ trình sau: tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung từ đầu năm 2013; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung cùng thời điểm và sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ đầu năm 2013 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây dựng được sử dụng.
Sau đó, vào năm 2013, UBND TPHCM đã ban hành chỉ thị về tăng cường sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng. Theo đó, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, không phân biệt nguồn vốn, đến năm 2015 cũng phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000kg/m³) trong tổng số vật liệu xây. Chính quyền TPHCM cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế trong các khu công nghiệp sản xuất các loại vật liệu xây không nung đáp ứng nhu cầu thị trường như gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt, tấm panel từ bê tông khí chưng áp, tấm tường thạch cao, tấm 3D, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu cho nhiều loại công trình.
Trên thực tế, sử dụng vật liệu xây không nung là xu hướng tất yếu nhằm hạn chế được việc khai thác đất sét từ đất nông nghiệp, làm giảm diện tích cây lương thực; thậm chí có thể tận dụng cả nhiều loại phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu giúp tiết kiệm nhiên liệu nung, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và tiết kiệm được thời gian thi công cho các công trình.
Vấn đề còn lại thuộc về các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây thân thiện môi trường. Làm sao mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại cải thiện chất lượng, mẫu mã, giá cả phù hợp đi kèm với kỹ thuật thi công. Bởi thực tế, trên địa bàn TPHCM thời gian qua có tình trạng dù chủ đầu tư đã sử dụng vật liệu xây không nung nhưng chất lượng công trình vẫn chưa đảm bảo, do quá trình thi công không đảm bảo về mặt kỹ thuật. Điều này đặt ra yêu cầu hơn nữa về khâu đào tạo tại các trung tâm, trường dạy nghề. Cần lưu ý hơn nữa công tác đào tạo tay nghề cho công nhân thi công với vật liệu xây không nung.