VNSKY là 1 trong 5 mạng di động ảo, không có hạ tầng viễn thông (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) được Bộ TT-TT cấp phép; là MVNO thứ 4 đang cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam, cùng iTel (thuộc Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom, đầu số 087), Wintel (Tập đoàn Masan, đầu số 055) và Local (Công ty CP Viễn thông Asim, đầu số 089).
Theo số liệu của Bộ TT-TT, thị trường viễn thông di động Việt Nam hiện có gần 130 triệu thuê bao. Trong đó, 3 mạng di động lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone chiếm khoảng 95% thị phần; số còn lại thuộc Vietnamobile, Gmobile và 4 nhà mạng MVNO nói trên. 4 nhà mạng này hiện đang có khoảng 2,6 triệu thuê bao, chiếm gần 2% tổng số thuê bao di động ở Việt Nam.
Việc xuất hiện MVNO ở Việt Nam đã có khá lâu, tuy nhiên trước đây, vì nhiều lý do khác nhau, các mạng này ít được người dùng biết đến.
Trong vài năm qua, khi có sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn, thì các MVNO mới định hình thương hiệu và mô hình kinh doanh. Đầu tiên là Bitexco với mạng iTel, tiếp đó Masan với Wintel và VNPAY với VNSKY. Với iTel, sau 3 năm gia nhập thị trường đã có khoảng 1 triệu thuê bao phát sinh cước thường xuyên và đã có lãi hàng chục tỷ đồng. Trong quý 1-2023, Wintel phát triển được hơn 122.000 thuê bao, đạt doanh thu 16,48 tỷ đồng tăng 457% so với cùng kỳ năm 2022. Còn VNSKY đặt mục tiêu kết nối 5 triệu người dùng vào năm 2025 và trở thành 1 trong 5 mạng di động lớn nhất tại Việt Nam. Cả Wintel và VNSKY đều đang tận dụng tối đa hệ sinh thái của 2 công ty mẹ để phát triển thuê bao và mô hình kinh doanh của mình.
Nếu xét về lợi thế, MVNO không phải đầu tư hạ tầng, mà chỉ mua lưu lượng của nhà mạng có hạ tầng, rồi kinh doanh. Như vậy, các MVNO chỉ tập trung thiết kế sản phẩm phù hợp với khách hàng và sẽ nhắm đến thị trường ngách, chứ không đại trà như các nhà mạng.
Ví dụ như chính sách ưu đãi data lớn, miễn phí nội mạng cho người dùng SIM thứ 2; nhiều ưu đãi khi tham gia hệ sinh thái số của công ty mẹ đang có… Với sự đầu tư lớn, bài bản, có thể thấy, việc xuất hiện các MVNO là luồng gió mới, giúp thị trường viễn thông di động có thêm nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ và gia tăng tính cạnh tranh hơn. Quan trọng nhất, người tiêu dùng được lợi, có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.