Dưới cái nắng chang chang vùng Hạ Lào tỉnh Champasak (Lào) dù gió thổi mơn man, nhưng vẫn không làm dịu bớt cái nóng hầm hập đốt cháy da người. Mới hơn 9 giờ sáng, mà nắng đã hào sảng tỏa cái nóng bao trùm trên khắp vùng núi Phou Kao có độ cao 1.200m so với mặt nước biển, ngọn núi duy nhất trên thung lũng sông Mekong.
Lưng chừng núi Phou Kao có ngôi đền thiêng Wat Phou (ảnh), ngôi đền cổ xưa nhất tỉnh Champasak, cách thành phố Pakse khoảng 45km, có niên đại từ thế kỷ thứ 5, nhưng các kiến trúc còn sót lại, có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Người hướng dẫn chúng tôi viếng đền Wat Phou giải thích, theo tiếng Lào, wat là đền chùa, phou là núi. Wat Phou có nghĩa chùa trên núi. Ngày xưa, nơi đây là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Năm 2001, Wat Phou được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Tuy trời nắng nóng, nhưng khách thập phương đến viếng đền thiêng Wat Phou khá đông, trên tay cầm 3 nén nhang có kết vòng hoa sứ, với nét mặt thành kính, chân bước chậm rãi, khoan thai dưới nắng trưa. Đường dẫn vào chân núi Phou Kao là con đường Linga, vì hai bên đường có dựng khoảng 40 tượng Linga. Tiếp đến, hai ngôi đền lớn đã đổ nát đang được trùng tu. Bây giờ mới đến đoạn đường gian nan dốc đứng với 77 bậc thềm bằng đá, mặt thềm nhỏ hẹp đi rất khó khăn, phải bước chân nghiêng mới đi được. Hai bên hai hàng sứ trắng cổ thụ cao ngất ngưởng, thân xù xì, u nần như những cục bướu chồng lên nhau, chứng tỏ hàng sứ này đã có hàng ngàn năm tuổi.
Trong đền Wat Phou có thờ tượng Phật bằng đá khá to, đèn nhang thắp sáng, khói bay nghi ngút. Khách viếng đền tuy đông, nhưng không ồn ào, mọi người thành khẩn chiêm bái. Anh bạn người Lào Chan Ta Lây nói tiếng Việt khá rành, cứ giục tôi hãy vào thắp hương khấn nguyện, thiêng lắm, cầu gì có nấy. Anh đưa chúng tôi ra phía sau đền, nơi có thờ Linga tắm trong nước từ một dòng suối thiêng róc rách chảy. Mọi người đứng thành hàng chấp tay khấn nguyện xin hứng nước thiêng uống rồi rửa mặt cầu tinh thần sáng láng, minh mẫn, hanh thông. Họ còn hứng nước mang về để người thân được hưởng phước báu. Dòng suối thiêng này đã chảy không giây phút nào ngừng suốt ngàn năm rồi, bất kể nắng, mưa.
Trước sân đền, những hàng cây cổ thụ cũng hàng ngàn năm tuổi, trong đó có cây xoài mút cao sừng sững, trái đầy cây. Một cơn gió thoảng qua, xoài rụng đầy sân đền. Nhiều người lượm xoài mang về cầu phước cho mình có của ăn của để. Chúng tôi cùng lên đỉnh núi, nơi có khắc lên vách núi nhiều hình ngựa, cá sấu, voi… Qua sông gặp cá sấu báo hiệu điềm chẳng lành. Ngựa là người bạn đường đưa ta dặm dài trên đường thiên lý. Vào rừng giang sơn của voi, biết bao bất trắc lúc nào cũng có thể xảy ra. Muốn được an lành, phải nhờ những con vật đó giúp đỡ. Bởi vậy, người xưa chạm khắc hình những con vật đó thờ, là những thần linh của con người.
Trước khi bước xuống 77 bậc thềm đá ra về, tôi lưu luyến nhìn lại đền Wat Phou, dẫu là phế tích do thời gian tàn phá, nhưng Wat Phou vẫn tỏa sức sống uy nghi một thời phồn thịnh của Hindu giáo.
Nguyễn Tường Lộc