Ngày 16-2, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp lần thứ 9 của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phó Thủ tướng đã ghi nhận sự cố gắng của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục các tồn tại, hạn chế mà đoàn Thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ ra; đánh giá cao và biểu dương tỉnh Kiên Giang là tỉnh đầu tiên đã tiến hành xét xử vụ án môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, xét về tổng thể đến nay tại một số địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, như tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra, diễn biến phức tạp; việc kiểm soát, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa hiệu quả.
Đợt thanh tra lần thứ 5 (dự kiến vào tháng 4-2024) là thời điểm quyết định để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC trong năm 2024. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay; trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến ngày 30-4.
Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung cao điểm, huy động các nguồn lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ “thẻ vàng” của cả nước.
Tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả, quyết tâm thực hiện mục tiêu từ nay đến tháng 4-2024 không còn tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng loạt điều tra, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tương tự như trường hợp đã xét xử tại tỉnh Kiên Giang để răn đe, tuyên truyền.
Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, UBND tỉnh Khánh Hòa và các bên có liên quan khẩn trương xử lý dứt điểm đối với 1 tàu nhập khẩu vi phạm đã được EC chỉ ra theo quy định pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế… Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc hợp tác với các nước để tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện toàn diện, đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tiếp tục thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực biển giáp ranh với Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Bố trí đủ lực lượng cho các đồn, trạm biên phòng tuyến biển thực hiện cao điểm kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển và các đảo.
Bộ Công an khẩn trương điều tra, khởi tố các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước nhằm hợp thức hoá hồ sơ sản phẩm thủy sản vi phạm khai thác IUU xuất khẩu sang thị trường châu Âu; chủ động nắm tình hình, điều tra, xử lý hành vi vi phạm đối với nhóm tàu cá cố tình không quay về bờ, tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Các tỉnh có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý như: Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bến Tre, Bình Thuận, Khánh Hòa… khẩn trương điều tra, xử lý triệt để các trường hợp khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay. Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm ngắt kết nối VMS, gửi, vận chuyển thiết bị VMS trái phép từ đầu năm 2023 đến nay…