Taj Mahal (còn được gọi là Tượng đài Tình yêu), quần thể đền - lăng mộ độc đáo, nằm ở thành phố Agra, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Taj Mahal được xây dựng từ năm 1631 đến 1648 theo ý của Hoàng đế Mughal Shah Jahan để tưởng nhớ người vợ yêu Mumtaz Mahal.
Năm 1983, Taj Mahal được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Theo thống kê, mỗi ngày có đến 200.000 người thăm viếng ngôi đền, biểu tượng của tình yêu bất diệt này.
Tuy nhiên, ngôi đền ngày càng bị tàn phá do nhiều loại ô nhiễm môi trường và sự thiếu quan tâm của nhà chức trách. Các công trình bị đe dọa nghiêm trọng gồm: mặt đá cẩm thạch trắng của lăng mộ, tháp cao chót vót khắc chữ Quran tinh tế và bãi cỏ tươi tốt trước đền.
Ở độ tuổi gần 400, ngôi đền luôn bị một làn khói ô nhiễm dày đặc do hoạt động của con người gây ra, làm đổi màu mặt đá cẩm thạch, biến mặt tiền thành màu vàng sậm.
Một báo cáo của Ủy ban Thường trực Nghị viện Ấn Độ năm 2015 nhấn mạnh mối đe dọa do ô nhiễm không khí và tăng trưởng dân số theo cấp số nhân với Taj Mahal.
Theo một báo cáo năm 2017 của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật môi trường quốc gia (NEERI) - cơ quan nghiên cứu kỹ thuật hàng đầu của Ấn Độ, tình trạng quản lý chất thải rắn xung quanh Taj Mahal cũng đang làm xói mòn giá trị của di sản này.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đe dọa sự tồn tại của Taj Mahal
Báo cáo cho rằng, Agra nên dừng ngay việc đốt chất thải của thành phố, vì điều đó đe dọa nghiêm trọng tới Taj Mahal.
Ngoài ra, môi trường của sông Yamuna, chảy phía sau lăng mộ là một trong những nơi bẩn nhất thế giới, với thực tế là không có bất kỳ thủy sinh vật nào có thể sống ở đó. Thảm họa sinh thái này là điều kiện thuận lợi để côn trùng sinh sản không thể kiểm soát cùng với tảo và cỏ dại.
Từ năm 1978, chính phủ đã công bố báo cáo đầu tiên về thiệt hại do ô nhiễm gây ra với Taj Mahal. Một ủy ban chuyên gia do tiến sĩ S.Varadharajan đứng đầu đã đưa ra “Báo cáo về tác động môi trường của Nhà máy lọc dầu Mathura”, báo động về ô nhiễm ở các khu vực xung quanh Taj Mahal.
Năm 1984, nhà môi trường học MC Mehta - cũng là một luật sư của Tòa án Tối cao Ấn Độ - đã chuyển sang tòa án bản kiến nghị về phương án bảo vệ Taj Mahal.
Năm 1996, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã yêu cầu chính phủ thực hiện một loạt biện pháp bảo vệ lăng mộ. Một khu vực có diện tích 10.400km2 xung quanh Taj Mahal được phân ranh giới để không bị ô nhiễm.
Tòa án cũng đã ban hành lệnh cấm sử dụng than hoặc than cốc trong các khu công nghiệp nằm trong khu vực bán kính 50km xung quanh khu phức hợp Taj Mahal.
Khu vực này gọi là Taj Trapezium (TTZ) bao gồm 3 di sản thế giới: Taj Mahal, Pháo đài Agra và Fatehpur Sikri. Trớ trêu thay, TTZ ngày nay là một trong những vành đai ô nhiễm nhất trên thế giới.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Ấn Độ cho biết, họ sẽ yêu cầu chính phủ phá hủy kỳ quan Taj Mahal nếu ngôi đền nổi tiếng không được phục chế, tờ Hindustan Times đưa tin. Theo các thẩm phán, di sản nổi tiếng bị thiệt hại không thể khắc phục.
Trong thư gửi cho Chính phủ Ấn Độ, các thẩm phán đưa ra 3 lựa chọn để giải quyết vấn đề: đóng cửa đền Taj Mahal, phục chế đền và phá hủy đền. Các nhà chức trách của Ấn Độ đã hứa sẽ tìm hiểu tình hình và cho biết, Đại học Kỹ thuật Ấn Độ đảm nhận việc giải quyết vấn đề này và sẽ trình bày kế hoạch trong 4 tháng tới.
Ngoài việc giảm ô nhiễm, cũng đã có nỗ lực giảm lượng du khách thăm Taj Mahal. Ban quản lý đang cân nhắc áp đặt giới hạn hàng ngày là 40.000 lượt khách đến thăm Taj Mahal. Du khách cũng có thể bị giới hạn về thời gian, tối đa là trong 3 giờ ở khu phức hợp. Kế hoạch này đang được tiến sĩ Mahesh Sharma, Bộ trưởng Du lịch Ấn Độ, xem xét.