Vốn thực hiện trong 8 tháng ước đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ,. Việc điều chỉnh này để phù hợp với điều chỉnh lịch công bố số liệu thống kê chung.
Theo đó, tính đến hết tháng 8-2024, có 2.247 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tương ứng tăng 8,5% về số dự án và tăng 27% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, có 926 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 4,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 5,7 tỷ USD (tăng 14,8% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, về góp vốn, mua cổ phần, thì cả lượt giao dịch và tổng giá trị vốn góp vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Trong 8 tháng qua chỉ có 2.196 lượt góp vốn, mua cổ phần, giảm 7,8% so với cùng kỳ, trong khi tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm tới 40,9% so với cùng kỳ.
Thống kê cho thấy quy mô vốn đầu tư của các dự án mới tăng từ 4,56 triệu USD/dự án trong 8 tháng năm 2023 lên 5,34 triệu USD/dự án trong 8 tháng năm 2024. Trong khi đó, quy mô vốn đầu tư điều chỉnh tăng từ 5,64 triệu USD/lượt điều chỉnh trong 8 tháng năm 2023 lên 6,17 triệu USD/lượt điều chỉnh trong 8 tháng năm 2024.
Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 8 tháng qua tiếp tục là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu (Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Hồng Kông - Trung Quốc) đã chiếm tới 74% số dự án đầu tư mới và 77,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Về địa bàn tiếp nhận đầu tư, 10 địa phương là Bắc Ninh, Quảng Ninh, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Thái Nguyên chiếm 80,7% số dự án mới và 77,3% số vốn đầu tư của cả nước.