Đến năm 2045, Hà Nội là thành phố xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (quy hoạch).

Đến năm 2045, Hà Nội là thành phố xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển
Đến năm 2045, Hà Nội là thành phố xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là đô thị hiện đại, trung tâm hỗ trợ thúc đẩy liên kết vùng, trung tâm dịch vụ tổng hợp của cả nước, điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn của quốc tế; đến năm 2045, thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế, đồng thời là thành phố xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển.

Dự báo đến năm 2030, Hà Nội có dân số là 12 triệu người (trong đó thường trú khoảng 10,5 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% - 70%; đến năm 2045 là 14,6 triệu người (trong đó thường trú khoảng 13 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%.

Quy hoạch xác định cấu trúc phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm: vùng đô thị phía Nam sông Hồng (gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam - Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín); vùng đô thị phía Đông gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm; vùng đô thị phía Bắc gồm huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (dự kiến hình thành thành phố phía Bắc); vùng đô thị phía Tây gồm thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, trong đó có dự kiến hình thành thành phố phía Tây trong tương lai, nâng loại đô thị thành phố Sơn Tây; vùng đô thị phía Nam gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có tính đến nghiên cứu thành phố phía Nam trong tương lai.

5 trục không gian quan trọng được định hướng gồm trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục Hồ Tây - Cổ Loa; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục Nam Hà Nội phát triển mới gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính.

Cũng theo quy hoạch, không gian du lịch Hà Nội gồm 4 cụm: cụm Trung tâm gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức; cụm phía Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn gắn với thành phố trực thuộc thủ đô phía Bắc sông Hồng; cụm phía Tây gồm Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ; cụm phía Nam gồm Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín.

Tin cùng chuyên mục