Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cho biết, chủ đề cho Ngày nước thế giới (22-3) năm nay được Liên Hợp Quốc lựa chọn là “Nước cho tất cả - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chủ đề này nhằm thể hiện cam kết trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đóng góp vào việc tìm cách giải quyết những lý do khiến cho rất nhiều người bị bỏ lại phía sau trong cuộc khủng hoảng nước.
Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững thì mục tiêu số 6 (SDG6) là Nước sạch và vệ sinh. Song trên thực tế, hiện vẫn còn hàng tỷ người chưa được tiếp cận với nguồn nước an toàn, đặc biệt là các cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người bản địa, thiểu số, người khuyết tật…
Những năm qua, Việt Nam được nhìn nhận là đã rất nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề nước. Tính đến tháng 6-2017, tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt khoảng 84,5% (tăng 1% so với cuối năm 2016); tỷ lệ thất thoát khoảng 23% (giảm 0,5% so với cuối năm 2016).
Tuy nhiên, trong vòng 7 năm từ 2010-2016, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh của cả nước tăng 2,9%, từ 90,5% lên 93,4%, trung bình mỗi năm tăng được 0,41%. Với tốc độ này thì ước tính phải đến năm 2032 mới đạt được mục tiêu 100% số hộ có nguồn nước hợp vệ sinh.
Năm 2016, 64,2% khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn quy định về xử lý chất thải rắn và nước thải, 54% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải. Đến năm 2017, có 41 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 950.000m³/ngày đêm; tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý đạt khoảng 12% và có khoảng 50 nhà máy xử lý nước thải đang trong quá trình thiết kế, thi công với tổng công suất thiết kế khoảng 2,2 triệu m³/ngày đêm.
Trong tổng số 781 đô thị thì chỉ có 44 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định (đạt 5,63%, thống kê năm 2016). Dễ thấy mục tiêu về xử lý nước thải đặt ra cho đến năm 2030 là có nguy cơ khó đạt được.