Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục có 2 quy hoạch đang được xây dựng là: Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua, Ban soạn thảo đã thực hiện công phu, nghiêm túc, khoa học, thực tiễn, thận trọng và đã trình qua các bước. Đây không phải quy hoạch đầu tiên. Ở từng thời điểm cụ thể, quy hoạch mạng lưới là căn cứ phát triển hệ thống GDĐH, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục đạt trình độ tiên tiến khu vực vào năm 2030, trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm không phân biệt hệ thống công, tư; các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang bình đẳng cho trường ngoài công lập và mong muốn phát huy đóng góp của hệ thống trường tư ngày càng lớn trong hệ thống. Tuy nhiên, quy hoạch cũng xác định hệ thống trường công phải đóng vai trò chủ đạo để thấy rõ trách nhiệm của Nhà nước.
Quy hoạch cũng xác định trọng điểm đầu tư tập trung vào các trường khối công nghệ, kỹ thuật vì đây là sự đầu tư mang tính mũi nhọn, đột phá và cũng là từ chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương, Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực về sản xuất công nghiệp của đất nước.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) báo cáo một số nội dung quan trọng trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nhấn mạnh đến năm 2030, tổng quy mô đào tạo đạt 260 sinh viên/10.000 dân.
Tỷ lệ học đại học trên số người trong độ tuổi 18 - 22 đạt 33%. Tỷ trọng quy mô đào tạo thạc sĩ đạt 7,2%, tiến sĩ đạt 0,8%, STEM đạt 35%. Đến năm 2030, mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở GDĐH, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn; dự kiến mạng lưới có từ 240 -248 cơ sở GDĐH.
Theo dự thảo quy hoạch, năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm, cao đẳng đa ngành; đồng thời, sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc một cơ sở GDĐH có trường, khoa sư phạm hoặc khoa học cơ bản. Đồng thời, dự kiến sẽ sáp nhập vào một cơ sở GDĐH tại địa phương; hợp nhất với một số cơ sở giáo dục khác tại địa phương.
Quan điểm quy hoạch, sắp xếp là gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học. Ở đâu có việc làm và sẽ có nhiều việc làm về lĩnh vực nào thì quy hoạch phát triển đại học, lĩnh vực đào tạo ở đó. Riêng các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, quan điểm là "mở rộng, di dời" chứ không chỉ "di dời".
Tại phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề như: quy mô, cơ cấu trình độ và lĩnh vực đào tạo, công tư; về định hướng phát triển đào tạo tiến sĩ gắn với các trường đại học định hướng nghiên cứu và tại các trung tâm về GDĐH; tỷ trọng các ngành đào tạo STEM; số lượng cơ sở GDĐH, phân hiệu, cơ cấu công/tư, trung ương/địa phương, phương án sắp xếp cơ sở GDĐH…