Ngày 8-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, giai đoạn 2025-2035 (gọi tắt là chương trình); dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Không phải cứ có tiền là có văn hóa
Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM), Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM đồng tình, cần có chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, giai đoạn 2025-2035. ĐB đề cập nhiều đến giải pháp, biện pháp thực hiện có hiệu quả chương trình này.
“Chúng ta đừng quan niệm văn hóa là những gì có thể liệt kê ra bằng số lượng, bao nhiêu sự kiện, lễ hội, bao nhiêu tượng đài, nhà văn hóa hoành tráng... Tất cả những điều này không phải là cốt lõi của văn hóa”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn góp ý cho chương trình.
Đồng thời nhấn mạnh “không phải cứ có tiền là có văn hóa”, có những quốc gia rất phát triển nhưng tiếp xúc mới thấy đạo đức, văn hóa trong một bộ phận lớp trẻ “rất kinh hoàng”.
Theo ĐB, phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc chính là ở tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm bớt đi tình trạng khoe khoang sự giàu có trên mạng... ĐB nhấn mạnh, trước hết đầu tư cho giáo dục để trẻ em được đến trường, học hành đàng hoàng.
Cùng với đó phải có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp văn hóa, đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp tham gia vào phát triển văn hóa một cách sáng tạo, cuốn hút công chúng.
Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm trong lĩnh vực văn hóa, chứ đừng để cán bộ làm lĩnh vực văn hóa bị công chức hóa.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) trăn trở để có một định nghĩa về văn hóa là rất khó. Vì vậy, ĐB lưu ý, trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, giai đoạn 2025-2035, văn hóa không chỉ bao gồm văn học nghệ thuật mà còn bao gồm cả phong cách sống, phương thức chung sống và các hệ giá trị truyền thống dân tộc...
Cho nên, ĐB kiến nghị, cần đầu tư đúng nơi, đúng chỗ có khả năng bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử. Từ đó phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành sức mạnh “mềm”, góp phần vào phát triển kinh tế.
ĐB Trần Hoàng Ngân cũng đồng tình về việc đầu tư cho giáo dục là nền tảng của văn hóa. Trong đó phải giáo dục ý thức về vấn đề chống tham nhũng là rất cần thiết.
Trong huy động nguồn lực phát triển văn hóa, ĐB cho rằng cần chú ý nhiều hơn nguồn lực xã hội ngoài nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Hiện nay một số địa phương đã có cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa bằng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Phát huy sức mạnh nội sinh
Thảo luận tại tổ TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, việc có một nghị quyết về chương trình này là rất cần thiết. Tại kỳ họp này, các ĐB đóng góp xây dựng để hoàn thiện và Quốc hội thông qua nghị quyết.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, đây là vấn đề lớn và khó. Chương trình nhằm nỗ lực, hướng tới một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, khoa học và đại chúng. Đây là một trong những nỗ lực để phát triển văn hóa nước nhà. Để đạt được điều này, chúng ta cần thống nhất về mục tiêu, cả mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể. Đồng thời cùng hành động trong vòng mười năm để có thể đạt được những kết quả cụ thể, có đo lường được.
Một điểm quan trọng là phải huy động nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa, thay vì chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, tỷ lệ nguồn lực xã hội chiếm 70%, còn ngân sách nhà nước chỉ 30%. Trong đó, ngân sách địa phương chiếm 70% và ngân sách trung ương 30%.
Để làm được điều này, chúng ta cần thiết kế các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút sự tham gia của toàn xã hội, bao gồm cả các doanh nghiệp văn hóa, đơn vị sự nghiệp công và tư nhân. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư vào các trung tâm khởi nghiệp, nơi phát triển các ý tưởng và nội dung văn hóa trên nền tảng số.
Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, trên đây là một trong những cách để phát triển công nghiệp văn hóa, một lĩnh vực có tiềm năng lớn. Đồng thời dẫn chứng tại TPHCM đã có đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào GRDP của TPHCM là 10%.
“Nhà nước phải có cơ chế, chính sách để phát huy công nghiệp văn hóa, mà chủ yếu là xã hội cùng tham gia vào. Nhà nước đầu tư về thể chế, nhân lực, hạ tầng cơ bản, còn lại các doanh nghiệp tham gia”, Chủ tịch UBND TPHCM gợi mở.
Cuối cùng, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, trong phát triển văn hóa cần chú trọng bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Vì đây mới là sức mạnh nội sinh và tạo nên sự khác biệt của văn hóa Việt Nam so với các nền văn hóa khác trên thế giới.
Cho nên rất cần cơ chế, chính sách để phát huy các nguồn lực. Tập trung từ ngân sách để đầu tư phát triển văn hóa dân tộc. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa tầm cỡ khu vực và thế giới cần phải đảm bảo rằng văn hóa dân tộc luôn là nền tảng, lõi của văn hóa Việt Nam.
Góp ý về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM), Phó Chủ tịch UBND TPHCM ủng hộ việc tiếp tục mức đóng kinh phí công đoàn 2%. Vì đây là nguồn lực để giúp tổ chức công đoàn có thể duy trì hoạt động được tốt nhất.
Đồng thời việc duy trì mức 2% là hợp lý và đảm bảo đủ kiều kiện để chăm lo tốt nhất cho người lao động tại các doanh nghiệp. Về phương án quy định sử dụng phần kinh phí 2% này, ĐB Trần Thị Diệu Thúy đồng ý với phương án giao Chính phủ quy định chi tiết thực hiện, quản lý.