Một bộ phim ngột ngạt
Dựa trên tập truyện ngắn Đô thị linh dị (Nguyễn Ngọc Thạch), bộ phim của đạo diễn Khương Ngọc lựa chọn hai câu chuyện: mukbang (vừa ăn vừa ghi hình) và nghề review (đánh giá sản phẩm, dịch vụ). Phần đầu tiên chứng kiến cuộc đối đầu và cạnh tranh giữa Trúc (Ngọc Phước) và Emi (Ngân 98) để giành vị trí cao nhất trong cuộc thi mukbang. Phần sau, tập trung vào Hoàng (Quốc Khánh), một người làm nghề review.
Mặt trái mạng xã hội được khắc họa trực diện, trần trụi trong phim |
LIVE - #Pháttrựctiếp là bộ phim của những sự tương phản, đối lập được đẩy lên cực điểm.
Đầu tiên, bộ phim phản ánh bức tranh đa chiều về mạng xã hội – thế giới tưởng chừng không có giới hạn về không gian, khoảng cách nhưng lại được thể hiện qua những khung hình rất chật chội. Phim dày đặc hình ảnh những căn phòng livestream như chiếc hộp, màn hình chiếc điện thoại, những ô cửa sổ, những tấm gương phản chiếu…
Tất cả đời sống của các nhân vật dường như được thu hẹp, bó gọn mang cảm giác bức bối. Và họ, theo nhiều cách khác nhau đang cố gắng “tận hưởng” hoặc tìm mọi cách vùng vẫy, vươn lên trong không gian ấy. Đời sống của họ phụ thuộc, được điều khiển hoàn toàn bởi những tin nhắn chỉ là những đoạn thu voice gửi một cách lạnh lùng hay những bình luận có cả tung hô, miệt thị, mạt sát.
Sự chật chội, bức bối và nghẹt thở trong những khung hình |
Đối lập giữa đỉnh cao – vực sâu cũng được khắc họa trần trụi, thô mà thật. Trúc rơi vào cảnh cùng quẫn vì nợ nần, sống chật vật tìm mọi cách vươn lên, chấp nhận nguy hại đến bản thân liên tục uống thuốc ăn không no để có thể thăng hạng trong cuộc đua mukbang. Con số thứ tự nhảy vọt, số hoa người hâm mộ tặng tăng phi mã, những giỏ hàng đầy ắp… giúp cô bước lên đỉnh cao. Nhưng, vừa chạm đỉnh cao nhất, cô lập tức ngã nhào.
Hoàng ở thế ngược lại, một food reviewer (người đánh giá về ẩm thực) đang ở trên đỉnh cao với hàng chục triệu người theo dõi chỉ sau một bài chê được cho là khiến chủ tiệm bán bánh mì treo cổ tự tử, cuộc đời anh cũng trượt dài từ đó, sống dở chết dở.
Hành trình cả hai nhân vật trải qua đều được khắc họa đầy ám ảnh. Họ sống trong những nơm nớp lo sợ, quằn quại và vật vã. Vừa được ca tụng lên mây đó nhưng lập tức bị tấn công hội đồng, sống không bằng chết.
Và, trong phim còn là sự đối lập của cái đói – no. Ngay từ đoạn mở đầu là hình ảnh 5 đứa trẻ qua tấm kính với ánh mắt thèm thuồng cảnh các thực khách bên trong một nhà hàng với bàn tiệc hấp dẫn nhưng họ chỉ chụp hình mà không động đũa.
Trúc luôn bị bao phủ bởi ngồn ngộn các loại đồ ăn với số lượng tính bằng chục kg, từng khiến cô ói mửa, nhập viện vì bội thực. Nhưng đó không phải bữa tiệc thưởng thức. Đó là sự tra tấn làm sao nhồi nhét cho bằng hết trong thời gian nhanh nhất. Còn, Hoàng, một người chuyên về mảng ẩm thực nhưng cuối cùng chấp nhận đói lả, phải ăn món có dòi bọ. Chết vì đói. Chết vì no là những gì diễn ra trong phim.
Và, tất thảy sự đối lập ấy cứ diễn ra song song, đủ cao trào, cung bậc.
Rằng hay, nhưng…
Khương Ngọc cho biết bộ phim của anh thuộc thể loại suspense (hồi hộp), còn khá mới ở thị trường Việt Nam. So với tác phẩm cùng chủ đề ra mắt gần đây, LIVE - #Pháttrựctiếp đã ít nhiều thành công khi đi vào trực diện vấn đề những góc khuất mạng xã hội, qua đó để bóc tách thực tế trần trụi và đề cập câu chuyện bạo lực mạng. Phim cũng cho thấy sự trưởng thành của anh sau các tác phẩm trước đây như: Rừng xanh kỳ lạ truyện, Yêu là phải xài chiêu... được đánh giá khá hời hợt.
Các nhân vật trong phim hiếm khi chạm mặt, họ chỉ giao tiếp qua máy móc |
Trong phim, có quá ít cảnh các nhân vật chọn đối thoại với nhau trực tiếp. Họ chưa bao giờ một lần gặp mặt nhau. Tất cả dường như đều bị cuốn vào vòng xoáy, ai cũng có thể vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân, là con rối dễ bị giật dây. Đó thực sự là thực tế đáng sợ, đúng như câu thoại của những đứa trẻ đầu phim: Đến một ngày, con người chỉ nói chuyện với cái máy.
Không ít khán giả bất ngờ khi bản phim sau khi được phân loại và gắn nhãn T18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi) ra rạp với rất nhiều phân đoạn nhạy cảm. Những màn chửi thề của các nhân vật, cảnh khoe thân táo bạo của Emi… được giữ lại, cho thấy "kiểm duyệt" không còn là rào cản nặng nề.
Theo Khương Ngọc, khi lựa chọn các TikToker, anh chỉ cần bê nguyên bản thân họ ngoài đời lên phim, không cần phải diễn, việc giữ lại hay bỏ cảnh nào đã có tính toán để không quá phản cảm. Quốc Khánh và Ngọc Phước đã tròn vai. Dàn diễn viên phụ, đặc biệt các TikToker cũng mang đến cảm giác diễn như đời thật, dù đôi khi chất điện ảnh cũng giảm đi phần nào.
Dàn TikToker như Long Chun diễn như ngoài đời thực |
Tuy nhiên, vì chỉ lựa chọn 2 câu chuyện nên LIVE - #Pháttrựctiếp chưa phải là một bộ phim đa tuyến, ít nhiều mang đến cảm giác rời rạc bởi sự gắn kết chưa thực sự chặt chẽ. Thời lượng của hai câu chuyện cũng chênh lệch thấy rõ. Chưa kể Khương Ngọc đặt để khá nhiều ẩn ý, đẩy nhịp phim nhanh nên nhiều vấn đề được khơi mào nhưng chưa đào sâu nên có cảm giác thế giới quan trong phim thiếu đi chiều sâu.
Hành trình thao túng tâm lý của nhóm “quản trị viên” bị bỏ ngỏ. Các phân cảnh thi ăn cao trào nhưng cũng có nhận xét được lái theo hướng khá… thô. Hay như cảnh Hoàng bị truy đuổi cuối phim nhiều khán giả chờ đợi lý do thuyết phục hơn. Kết phim cũng mang cảm giác chưng hửng và số phận nhân vật chỉ dừng lại qua 1-2 câu kể, khung hình.
Hành trình và cái kết của nhân vật chính ít nhiều để lại cảm giác chưng hửng |
Chia sẻ với truyền thông, Khương Ngọc ấp ủ việc thực hiện tiếp phần 2. Có thể vì lý do đó, bộ phim có khá nhiều chi tiết được lướt qua hay số phận nhân vật được khắc họa còn mờ nhạt và buộc khán giả chờ phần tiếp theo.