Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), trong những ngày trung tuần tháng 7 có khá nhiều du khách đến tìm hiểu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều lạ ở chỗ, phần lớn là du khách nước ngoài, có người khi đến còn mang theo hành lý. Ông Rally Lee (42 tuổi, du khách Hàn Quốc) cho biết, ông bị đau cổ, vai gáy do ngủ và làm việc không đúng tư thế, uống thuốc tây một thời gian dài vẫn không cải thiện. Trong một chuyến du lịch, tình cờ tìm kiếm thông tin trên mạng, ông có cơ hội được trải nghiệm phương pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, chườm ngải cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. “Chỉ sau 3 ngày, các cơn đau ở vai và lưng của tôi đã giảm 70%”, Larry chia sẻ sau khi ra khỏi phòng điều trị và tiếp tục đi du lịch.
Theo BS Nguyễn Nguyên Xuân (Khoa Khám 2, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng), du khách nước ngoài thường quan tâm sử dụng phương pháp không dùng thuốc của y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, hỏa long cứu, cấy chỉ… Nhân viên y tế đôi lúc kiêm “hướng dẫn viên du lịch” để chia sẻ, giới thiệu những địa điểm, khu vui chơi nổi tiếng tại TP Đà Nẵng.
Còn BS CKI Nguyễn Công Lý, phụ trách đơn vị du lịch y tế, Trưởng khoa Khám 2, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, cho biết, để phục vụ bệnh nhân là các du khách tốt nhất, bệnh viện không chỉ kết nối với đơn vị du lịch lữ hành mà còn có những đơn vị vận chuyển khách được đánh giá nhiều sao. Hiện bệnh viện có thể đáp ứng hơn 150 bệnh nhân/ngày…
Tương tự, tại Bệnh viện 199 (Bộ Công an), BS CKI Võ Thị Hồng Hướng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết, so với các đơn vị spa và massage, bệnh viện chuyên điều trị giảm đau, kết hợp nhiều trường phái trong y học và phù hợp cơ thể bệnh nhân, nhất là đối với du khách có hành trình dài ngày, di chuyển nhiều, lệch múi giờ... Tuy nhiên, việc liên kết giữa bệnh viện và các đơn vị lữ hành còn khá ít nên sắp tới bệnh viện sẽ chú trọng tăng cường phối hợp.
Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng, nhìn nhận, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe vẫn luôn được TP Đà Nẵng ưu tiên đầu tư, tạo lập thương hiệu quốc tế với hệ thống các khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc tuyến biển, khu nghỉ dưỡng sinh thái. Thời gian tới, đơn vị sẽ kêu gọi đầu tư hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng tầm sản phẩm du lịch không chỉ của Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung.
Tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), hàng ngày có khá nhiều du khách trong và ngoài nước đến châm cứu tại Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa. Bà Mai Thị Hà (67 tuổi, trú quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, hầu hết các thành viên trong đoàn từ 60-70 tuổi và mắc gai đôi cột sống. Vì vậy, họ đã thuê homestay cách nơi điều trị 1km. Mỗi ngày, sau khi tham quan các di tích và danh lam thắng cảnh ở Huế, nhóm đến Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa châm cứu. Chưa đầy 2 tuần lễ, bệnh của nhiều người thuyên giảm, việc đi lại thuận tiện hơn…
Gần đây, tại Đại Nam Thái Y Đường (đường Đoàn Thị Điểm, TP Huế), du khách không chỉ trải nghiệm một không gian đông y xưa với các hoạt động thăm bệnh, bốc thuốc mà còn là không gian văn hóa cảm nhận về những giá trị lịch sử để lại qua kiến trúc nhà rường, vườn dược liệu, thang thuốc cung đình quý hiếm. Đây không chỉ là điểm đến cho du khách tham quan, mà còn là nơi điều dưỡng, phục hồi sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều điểm đến, khu nghỉ dưỡng chủ động khai thác các dịch vụ mới, tập trung vào gói “Wellness” (chăm sóc sức khỏe). Chính gói sản phẩm này quyết định khả năng thu hút khách của các điểm nghỉ dưỡng suốt 2 năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Dòng khách “Wellness Tourism” (du lịch sức khỏe) khá đa dạng, vượt ra khỏi đối tượng du khách tiềm năng của ngành du lịch. “Không chỉ là dân văn phòng, giới kinh doanh, người lớn tuổi, phụ nữ trung niên, mà kể cả giới trẻ cũng lựa chọn, chú trọng để duy trì, phục hồi, cải thiện sức khỏe toàn diện, hướng đến lối sống tích cực”, ông Phúc nói.