Theo thông báo của Cơ quan Đổi mới quốc gia (NIA), kế hoạch đổi mới quốc gia sẽ bắt đầu vào năm 2024 và kéo dài 4 năm, với mục tiêu mở rộng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này, chính phủ Thái Lan dự định cung cấp 5 tỷ baht (138 triệu USD) cho các khoản tài trợ và quỹ đầu tư của NIA trong 4 năm tới, gấp đôi số tiền được phân bổ trong 4 năm trước đó.
Các kế hoạch kêu gọi hỗ trợ hơn 1.500 dự án mới và nguồn vốn sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực: nông nghiệp, y tế, du lịch, năng lượng mềm và năng lượng, bao gồm cả xe điện. Thái Lan xếp thứ 43 trong Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Theo giới phân tích, khả năng phục hồi kinh tế nổi tiếng của Thái Lan không còn như xưa, nhất là sau cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến cuộc bầu cử năm 2006.
Theo ông Burin Adulwattana - nhà kinh tế trưởng và giám đốc điều hành tại Trung tâm nghiên cứu Kasikorn ở Bangkok - sự đổi mới kinh tế ở đất nước này đang tập trung vào tân Thủ tướng Srettha Thavisin - một nhà lãnh đạo đầy quyết tâm, từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nhận thức rõ tính cấp bách của việc giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế của Thái Lan, nội các mới của Thủ tướng Srettha Thavisin đã tung ra loạt biện pháp kích thích kinh tế. Các biện pháp này bao gồm cắt giảm giá điện và thuế diesel, tạm dừng nợ 3 năm đối với các khoản vay nông nghiệp và tạm thời loại bỏ các yêu cầu về thị thực đối với khách du lịch từ nhiều nước…
Với kế hoạch đầy tham vọng trên, chính phủ Thái Lan kỳ vọng sẽ đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm 5% trong 4 năm tới, con số này trước đại dịch Covid-19 là trung bình 3,6%/ năm.
Ông Krithpaka Boonfueng, Giám đốc điều hành của NIA, cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một trong 30 quốc gia hàng đầu thế giới về đổi mới công nghệ vào năm 2030”.