Đến Kinh Bắc xem “tuồng góp”

Cứ tưởng ở thời đại hôm nay, khi mọi người quay lưng lại với tuồng thì bộ môn nghệ thuật truyền thống này sẽ bị mai một, nhưng một vùng quê miền Kinh Bắc người ta vẫn đam mê, say sưa hát tuồng, biểu diễn tuồng. 
Một đêm diễn của đoàn tuồng Tiến Bào. Ảnh tư liệu của đoàn
Một đêm diễn của đoàn tuồng Tiến Bào. Ảnh tư liệu của đoàn
Điều đặc biệt hơn những cánh tuồng cấp làng nghiệp dư nơi đây hoàn toàn do người dân tự đóng góp kinh phí. Góp kinh phí, góp diễn viên để cùng nhau tạo ra những vở diễn phục vụ khán giả. 
Dân góp tiền, gạo nuôi đoàn 
Nói đến Kinh Bắc xưa (nay là Bắc Ninh), người ta thường nghĩ tới những làn điệu quan họ mượt mà của liền anh, liền chị trên bến, dưới thuyền. Vậy nhưng vẫn còn một thứ nghệ thuật biểu diễn khác cũng đã tồn tại lâu đời ở mảnh đất này, được người dân yêu chuộng đó chính là nghệ thuật tuồng truyền thống. 
Những chiếu tuồng làng, tuồng xóm đã xuất hiện ở vùng Bắc Ninh từ hơn một trăm năm trước. Cho đến thời điểm hiện tại ở thị xã Từ Sơn và huyện Yên Phong - vùng đất tuồng chính danh, vẫn đang tồn tại những đoàn tuồng cấp thôn, cấp xã như: Tiến Bào, Tam Lư, Đồng Kị, Châu Khê, Đình Bảng, Thị trấn Chờ…
Mảnh đất Từ Sơn hôm nay đã đổi thay và đằng sau cuộc sống hiện đại ồn ào ấy vẫn còn có nhiều nghệ sĩ đam mê biểu diễn tuồng. Từ khi Đào Duy Từ (1572 - 1634) khai sinh ra tuồng Việt, ở đất nước ta có rất nhiều nơi phát triển môn nghệ thuật này. Tuy vậy đất tuồng Từ Sơn, Bắc Ninh vẫn giữ được một nét rất riêng cho mình. Ở đây có một khái niệm rất độc đáo đó là “tuồng góp” (nghĩa là góp tiền của để lập các đoàn tuồng và duy trì nó). Để hiểu hơn về những năm tháng gian khó của sự thành lập và duy trì tuồng ở Từ Sơn, chúng tôi đã tìm đến nghệ sĩ cấp làng gạo cội Đàm Mạnh Dần. Nghệ sĩ Đàm Mạnh Dần năm nay đã 79 tuổi, vốn người thôn Tiến Bào, xã Phù Khê, Từ Sơn, nơi tuồng phát triển mạnh nhất từ trước tới nay. 
 Đến Kinh Bắc xem “tuồng góp” ảnh 1  Hóa trang cho diễn viên. Ảnh tư liệu của đoàn
 Tuy tuổi cao, sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn rất nhiệt tình tiếp đón và kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng phong trào tuồng làng, tuồng xã đã trải qua. Ông nhớ lại: “Năm 1956, nhiều làng, xã vùng Từ Sơn đã thành lập được đội tuồng sau một thời gian dài bị ngắt quãng. Thời gian đầu, việc phục sinh tuồng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi chỉ thỉnh thoảng biểu diễn được một vở sau khi đã có sự đóng góp vật chất của người dân địa phương”. 
Khi kháng chiến chống Mỹ nổ ra, những đoàn tuồng làng ở Từ Sơn lại phải nghỉ. Mãi đến thập niên 80 của thế kỷ trước, tuồng dần được hồi sinh. Năm 1984, để nâng cao khả năng biểu diễn, ông Dần và dân làng Tiến Bào đã góp tiền, góp gạo mời hai nghệ sĩ Đắc Nhã (Nhà hát tuồng Trung ương) và Minh Châu (Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Bắc cũ) về viết kịch bản cho vở Người mẹ Nguyễn Văn Cừ. Đây là vở tuồng đầu tiên nói về cách mạng được dàn dựng và biểu diễn hoàn toàn nhờ sự đóng góp vật chất của người dân địa phương. 
Ông Đàm Mạnh Dần tâm sự: “Hôm đó, sau buổi biểu diễn, đoàn tuồng chúng tôi đã nhận được sự chú ý của mọi người. Thấy đoàn quá khó khăn về trang phục, đạo cụ nên có người đã góp hẳn 1 tạ thóc cho đoàn”. Chính vở diễn này đã đem về cho đoàn tuồng Tiến Bào giải nhất tại Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Hà Bắc năm 1985. 
Còn nghệ sĩ Phạm Quốc Bảo, trưởng đoàn tuồng Tiến Bào, cho biết: Từ vài đồng, vài trăm đấu gạo, đấu thóc ngày trước cho đến 20.000 đồng, 30.000 đồng… của bà con hiện nay mà đoàn tuồng chúng tôi được nuôi sống. Có tiền, chúng tôi dần gom góp được đủ trang phục. Thập niên 80, 90 của thế kỷ trước khó khăn quá, có người phải đi xe đạp thồ, đóng gạch thuê, suốt ngày phơi nắng da đen cháy, tóc tai trụi húi mà tối vẫn lên sân khấu diễn tuồng. Sau khi vở diễn thành công, người dân lại góp tiền ủng hộ, mổ lợn khao cả đoàn. Việc góp tiền góp gạo để nuôi đoàn tuồng quê mình kéo dài đến tận hôm nay.
Giữ lửa đam mê
Năm 1999, sân khấu tuồng thủ đô mở rộng, được sự giúp đỡ của NSND Phạm Thị Thành, cùng Thứ trưởng Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) lúc đó là ông Lê Tiến Thọ, đã mở được 2 lớp dạy tuồng ở Từ Sơn - Bắc Ninh 1 lớp ở xã Xuân Nội, Đông Anh - Hà Nội.
Nghệ sĩ gạo cội Đàm Mạnh Dần nay lại được giao trọng trách đào tạo lứa diễn viên kế cận (đội tuồng đồng ấu hay đội tuồng thiếu nhi). Bằng một tình yêu và lòng đam mê tuồng hiếm có, nghệ sĩ Đàm Mạnh Dần đã vận động được hơn 30 cháu, thành lập đội tuồng đồng ấu Tiến Bào thời kỳ 1999 - 2002. Không những vậy, ông Dần còn thành lập và dạy một lớp tuồng đồng ấu khác bên thôn Kim, xã Xuân Nội, Đông Anh cùng thời gian trên. 
Sau những buổi biểu diễn đầu tiên với những vở như Trần Quốc Toản ra trận, Phụng Nghi Đình, Lã Bố hý Điêu Thuyền, Bao Công tra án Bàng Quý Phi… vào các năm 1999, 2000, 2001, đoàn tuồng Tiến Bào đã nhận được sự đóng góp vật chất của người dân xã Phù Khê. 
Thuộc lứa thế hệ thứ hai của tuồng góp Từ Sơn, những nghệ sĩ như Đàm Xuân Trung, Phạm Quốc Bảo, Đàm Văn Thư, Đàm Thị Hoa… dù hiện này rất bận rộn với việc nhà, việc xã hội, nhưng chẳng ai có thể bỏ qua được những buổi biểu diễn tuồng. Đây cũng là lứa nghệ sĩ làng gặt hái được nhiều thành công nhất trong hơn 60 năm tuồng hồi sinh ở Từ Sơn. Nghệ sĩ Phạm Quốc Bảo cho biết: “Từ sau năm 2000 trở lại đây, chúng tôi đã có thể biểu diễn để lấy kinh phí tự nuôi mình. Do yêu cầu của công chúng,nên đoàn tuồng Tiến Bào phải mời thêm các nghệ sĩ gạo cội khác bên Tam Lư, Đồng Kị, Thổ Hà, Thị trấn Chờ… biểu diễn cùng”. Chính vì vậy từ “tuồng góp” bây giờ đã có thêm ý nghĩa là góp diễn viên để cùng nâng cao trình độ nghệ thuật. Có năm, đoàn tuồng góp Tiến Bào đi biểu diễn đến 70, 80 đêm. 
 Đến Kinh Bắc xem “tuồng góp” ảnh 2 Một đêm diễn của đoàn tuồng Tiến Bào   (Ảnh tư liệu của đoàn)
Sự động viên, khích lệ lớn nhất để những đêm tuồng góp nơi đây vẫn đỏ ánh đèn trên sân khấu đó chính bởi được sự ưu ái, hâm mộ đặc biệt của khán giả. Ngay như đợt Tết Đinh Dậu vừa qua, đoàn tuồng góp Tiến Bào đã biểu diễn rất thành công vở Thái Sư Trần Thủ Độ ngay giữa sân khấu thủ đô. Vở diễn của một đội tuồng cấp làng nhưng đã nhận được sự đánh giá cao của hội đồng nghệ thuật tuồng Quốc gia, hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong vở này nghệ sĩ Phạm Quốc Bảo đóng vai Trần Thủ Độ, ông tâm sự với chúng tôi: “Sau đêm biểu diễn ở Hà Nội, đoàn đã nhận được sự đồng tình và đánh giá tính nghệ thuật tuồng rất cao từ phía các nghệ sĩ chuyên nghiệp của nhà hát tuồng trung ương. Điều đó làm anh chị em diễn viên chúng tôi quá đỗi vui mừng”.
Được trò chuyện với các nghệ sĩ từ Đàm Mạnh Dần, Phạm Quốc Bảo đến những diễn viên mới 18-20 tuổi… chúng tôi đều nhận thấy một niềm đam mê kỳ lạ, hiếm có của họ đối với tuồng. Các nghệ sĩ đều khẳng định sẽ quyết tâm giữ ngọn lửa đam mê và để tuồng không bao giờ mai một trên mảnh đất này.

Tin cùng chuyên mục