Vướng vì 1 trường hợp
Từ năm 2007, UBND TPHCM đã có công văn 1271 chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng lại chung cư Cô Giang thành khu căn hộ và trung tâm thương mại Pavilion Square, do Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt làm chủ đầu tư. Khu dự án có diện tích 1.400m², sẽ được xây dựng chung cư cao 30 tầng, quy mô trên 1.000 căn hộ và trung tâm thương mại. Chỉ riêng chi phí đền bù giải tỏa đã lên đến 1.500 tỷ đồng.
Để có 1.400m² “đất sạch”, UBND quận 1 phải thực hiện di dời hơn 750 căn hộ trong 4 lô chung cư cũ và 134 căn nhà liên kế lân cận. Sau nhiều năm kiên trì vận động, điều chỉnh mức giá đền bù và sử dụng biện pháp cưỡng chế, đến giữa tháng 7-2017, gần như toàn bộ mặt bằng đã được giải tỏa, chỉ còn độc nhất căn nhà số 129 Cô Giang, thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tạp phẩm. Cán bộ quận đã kiên trì tiếp xúc, thuyết phục nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng nhưng không được.
Khi các biện pháp vận động, thuyết phục đều không thành, ngày 14-7-2017, UBND quận 1 phải ra Quyết định 1192/QĐ cưỡng chế, thu hồi đất. Theo kế hoạch, ngày 14-8-2017, chính quyền thực hiện cưỡng chế tháo dỡ căn nhà số 129 Cô Giang để giao mặt bằng thực hiện dự án. Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế đã không thể thực hiện, do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại TPHCM có công văn số 196 yêu cầu Chủ tịch UBND quận 1 xem xét lại quyết định cưỡng chế, vì vụ việc đang được cơ quan tòa án thụ lý, phải chờ kết quả giải quyết của TAND cấp cao tại TPHCM.
Nhà số 129 Cô Giang - căn nhà duy nhất chưa thể giải tỏa để thực hiện dự án
Hàng trăm hộ phải kéo dài tạm cư
Căn nhà 129 Cô Giang chưa giải tỏa được đã làm trì trệ việc thực hiện dự án, hàng trăm hộ dân phải kéo dài thời gian tạm cư. Ông Cao Văn Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tạp phẩm, lập luận: “Công ty chưa giao nhà vì thấy việc đền bù không hợp lý. Dự án xây dựng trên 1.000 căn hộ mới, nhưng chỉ phải bố trí tái định cư 388 căn hộ. Hơn 600 căn hộ còn lại sẽ bán kinh doanh. Vì thế, quận áp giá đền bù thay cho chủ đầu tư, không thỏa thuận thương lượng là không đúng quy định. Căn nhà 129 Cô Giang có nguồn gốc đất thổ cư, lập bộ năm 1967. Năm 1993 công ty mua căn nhà này để sử dụng làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Căn nhà thuộc sở hữu riêng của công ty. Quận lấy lý do căn nhà này sử dụng làm nơi sản xuất, nên chỉ đền 60% giá trị, là không đúng quy định pháp luật”.
Trả lời về việc này, ông Trần Quang Cường, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, cho rằng: “Công trình này vừa là dự án phát triển kinh tế vừa là chỉnh trang đô thị theo Nghị quyết 34/2007 của Chính phủ, thuộc trường hợp thu hồi đất. Căn nhà 129 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tạp phẩm đã được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận, mục đích sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất, tức là thuộc nhóm phi nông nghiệp. Căn cứ Quyết định 35/2010 của UBND TPHCM về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, khi Nhà nước thu hồi đất, giá đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) tính bằng 60% đơn giá đất ở để tính bồi thường có vị trí liền kề. Vì thế, quận bồi thường cho công ty bằng 60% đơn giá mặt tiền đường Cô Giang”.
Việc xác định chính quyền quận 1 đúng hay chủ nhà đúng phải chờ phiên xử phúc thẩm sắp tới. Như vậy, chưa biết đến bao giờ căn nhà 129 Cô Giang mới được giải tỏa.