Trước tiên hãy nghĩ đến hệ thống giao thông
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Đức, ngày 24-5 (theo giờ Đức), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã làm việc với đại diện thành phố Frankfurt về kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính.
Đồng chí khẳng định, TPHCM là một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn nhất cả nước về kinh tế, tài chính, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập thế giới, nơi có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiện nay TPHCM có dân số hơn 10 triệu người, chiếm khoảng 9% tổng dân số cả nước, nhưng có nguồn nhân lực khoa học công nghệ chiếm 25% cả nước. Tương tự, năng suất lao động đạt 2,72 lần so với cả nước. TPHCM hiện đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 26% thu ngân sách, 18% kim ngạch xuất nhập khẩu, 50% số khách du lịch quốc tế của cả nước. TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp khoảng 1/4 tổng thu ngân sách cả nước (năm 2018 là khoảng 26,6%)…
Với những lợi thế và nguồn lực sẵn có, lãnh đạo TPHCM nhận thấy việc phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính của cả nước sẽ là cơ sở để phát triển kinh tế.
TPHCM cũng có kế hoạch quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính mang tầm vóc quốc tế. TPHCM đang phối hợp cùng Đại học Fulbright Việt Nam xây dựng đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế.
“Trong quá trình xây dựng đề án, TPHCM mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trung tâm tài chính đã thành công trên thế giới, trong đó có khu tài chính, ngân hàng Frankfurt - trung tâm tài chính quan trọng nhất ở Đức và là một trong những trung tâm lớn nhất ở châu Âu và trên thế giới”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Đáp lại, phía bạn khẳng định sẵn sàng chia sẻ thông tin về những vấn đề mà TPHCM đang quan tâm. Cụ thể hơn, ông Jan Schneider, Ủy viên Hội đồng thành phố Frankfurt, thông tin tóm tắt về thành phố, đặc biệt là thế mạnh đặc thù về trung tâm tài chính của Frankfurt. Trong đó, ở phía Đông thành phố có Ngân hàng châu Âu. Frankfurt cũng đang kỳ vọng sẽ có nhiều ngân hàng mới chuyển về đây, đặc biệt là sau quá trình Brexit (quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu của nước Anh).
Vì vậy, hiện nay Frankfurt đang tập trung đầu tư các công trình giáo dục, văn hóa để chuẩn bị trước, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Phía bạn cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng quy hoạch khoan hãy nghĩ đến các tòa nhà cao tầng lộng lẫy mà trước tiên hãy nghĩ đến hệ thống giao thông, trong đó có giao thông gần, có sự kết nối với các tuyến đường sắt đô thị. Kế đến, các tòa nhà chức năng, phải tính đến các công trình văn hóa, không gian công cộng, khu vui chơi giải trí. Nếu không, trong những khoảng thời gian nghỉ làm việc, trung tâm tài chính sẽ thành “trung tâm chết”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, những chia sẻ từ phía bạn là những kinh nghiệm quý giá đối với TPHCM, giúp TPHCM tránh những sai lầm trong quá trình hình thành, phát triển trung tâm tài chính. Vì thế, TPHCM sẽ nghiên cứu quy hoạch, phát triển giao thông gần cho trung tâm tài chính; quy hoạch trung tâm tài chính ở TPHCM với đa chức năng, không chỉ với mục đích là văn phòng làm việc.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị thành phố Frankfurt giới thiệu cho TPHCM một số chuyên gia để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cũng như khảo sát các mô hình xây dựng trung tâm tài chính. Việc này nhằm hỗ trợ TPHCM xây dựng đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế hiệu quả.
Ngoài ra, đồng chí mong muốn Frankfurt hỗ trợ để cán bộ chuyên môn của TPHCM đến trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu mô hình trung tâm tài chính quốc tế, để TPHCM hoàn thiện đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế. Khi đề án hoàn thiện cũng mong nhận được ý kiến góp ý, phản biện từ Frankfurt cũng như quy hoạch của khu vực; từ đó tạo cơ hội hợp tác sâu rộng giữa TPHCM và Frankfurt.
Đại điện Frankfurt cho biết sẵn sàng thảo luận chi tiết với những đề nghị của TPHCM, trong đó có sự hỗ trợ đào tạo về lĩnh vực tài chính; tạo điều kiện cho cán bộ của TPHCM đến Frankfurt tìm hiểu kinh nghiệm cũng như cử chuyên gia góp ý cho đề án của TPHCM.
Kinh nghiệm giải quyết chỗ ở cho người ngoài thành phố
Cùng ngày 24-5, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cùng một số cán bộ lãnh đạo của TPHCM đã đến làm việc với Công ty Argo (Frankfurt) về trí tuệ nhân tạo (AI) - một trong những công ty AI hàng đầu đã duy trì vị trí trong nhiều thập kỷ.
Đoàn lãnh đạo TPHCM mời Arago tham dự, đóng góp ý kiến cho TPHCM tại các hội thảo về AI do TPHCM tổ chức; giao lưu, trao đổi với các chuyên gia AI, các sinh viên công nghệ thông tin đến từ các đại học của TPHCM về AI. TPHCM cũng đề nghị Arago giới thiệu về các ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến hỗ trợ TPHCM xây dựng các trụ cột của đề án đô thị thông minh mà TPHCM đang thực hiện.
Cũng trong khoảng thời gian này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã làm việc với Sở Quy hoạch Frankfurt về câu chuyện quy hoạch, phát triển đô thị cũng như kế hoạch giải quyết chỗ nhu cầu về chỗ ở cho người dân.
Các tòa nhà cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu bảo vệ môi trường. Yêu cầu này được thấy rõ từ một câu chuyện cách đây khoảng 7 năm, khi một ngân hàng lớn của Đức cải tạo để trụ sở xanh hơn, thân thiện môi trường hơn. Quá trình cải tạo làm ảnh hưởng vài tổ chim ở tòa nhà. Việc thi công phải tạm dừng, cho đến khi dời các tổ chim đến nơi khác rồi mới được thi công tiếp.
“Lâu nay chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp vi phạm”, đại diện Sở Quy hoạch Frankfurt thông tin nhưng cũng cho biết, theo quy định, trước khi thi công phải nộp một khoản tiền bảo lãnh lớn vào ngân hàng. Trong quá trình xây dựng, nếu phát sinh vi phạm thì chính quyền sẽ lập tức trích trừ tiền phạt trong tài khoản.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nêu thắc mắc: “TPHCM đông dân, với khoảng 10 triệu người. Hiện nay, TPHCM đã hết đất phát triển dịch vụ vậy. Vậy, kinh nghiệm của Frankfurt như thế nào về sự kết hợp trong giải quyết chỗ ở cho người dân?
Phía Sở Quy hoạch Frankfurt cho biết, trước đây Frankfurt quy hoạch khu vực ở riêng, toàn nhà văn phòng làm việc riêng. Điều này đã gây ra nhiều bất cập, trong đó có việc giải quyết nhu cầu chỗ ở.
Trước câu hỏi từ phía TPHCM, Sở Quy hoạch Frankfurt nói đây cũng là vấn đề đau đầu mà Frankfurt đang giải quyết.
Vị này cho biết, dân số của Frankfurt hiện nay vào khoảng 750.000 người. Trong khi đó, Frankfurt là thành phố dịch vụ, mỗi ngày có khoảng 2 triệu người vào làm việc. Hiện nay, chính quyền Frankfurt đang từng bước giải quyết nhu cầu về chỗ ở, bằng cách yêu cầu các tòa nhà xây mới phải dành 30% diện tích làm nhà ở; đồng thời phải bố trí diện tích để hết giờ làm việc cộng đồng có không gian sinh hoạt.
Chiều tối cùng ngày, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo các sở ngành đã tham dự hội thảo kêu gọi các doanh nghiệp Đức đầu tư vào TPHCM, với chủ đề: “TPHCM - Tiềm năng không giới hạn”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, TPHCM rất coi trọng việc tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa TPHCM và các đối tác nước ngoài, trong đó có Đức. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đức nói chung, thành phố Frankfurt nói riêng đến TPHCM đầu tư và kinh doanh. Đồng chí kỳ vọng, với trình độ kỹ thuật cao, tiên tiến cũng như kinh nghiệm, thế mạnh (về công nghệ cao, dịch vụ, tài chính...), các nội dung hợp tác giữa TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp Frankfurt sẽ gia tăng cả về chất lượng và số lượng trong thời gian tới.
“Về phía TPHCM, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục bảo đảm môi trường xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Đức hoạt động đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài và có hiệu quả”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. Đồng thời, bày tỏ mong muốn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp TPHCM sẽ trở nên thân quen hơn tại Đức.