Ánh đèn hắt ra từ bên trong Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3) và quán cà phê bên cạnh, cùng những dây đèn màu trang trí đủ sáng để khách ngồi trò chuyện và nhâm nhi, nhưng mỗi bàn, nhân viên phục vụ để thêm cây đèn dầu. Giữa những câu chuyện ngược xuôi công việc của nhóm khách, cùng ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại hay máy tính bảng, ánh đèn dầu vàng vọt, chẳng tỏ rõ, nhưng người ta lại thích thú ngắm nhìn.
Cây đèn dầu hẳn quen thuộc với thế hệ 8X về trước hay những bạn trẻ lớn lên từ vùng nông thôn. Trong nhịp sống phát triển, điều kiện vật chất ngày càng đủ đầy, đèn dầu trở thành hoài niệm nhiều hơn vật dụng hàng ngày. Muốn thắp đèn phải có dầu, lên tim đèn và ống khói mà các bà các mẹ hay gọi là bong bóng. Cũng bởi thế mà nhiều người quen gọi đèn dầu theo hình dáng ống khói là đèn bong bóng hay đèn hột vịt.
Ánh sáng đèn dầu có vặn hết cỡ cũng không bì kịp ánh sáng đèn điện hay đèn flash từ điện thoại. Loại ánh sáng vàng, mang chút gì đó trầm ấm nhưng cũng kèm theo chút trầm tư, mà mỗi khi nhìn thấy đèn dầu, người ta hay suy tư, hoài niệm. Giữa phố xá thênh thang, tiếng xe cộ vẫn ngược xuôi không ngớt, bàn cà phê có thêm cây đèn dầu, một chút gì đó mộc mạc giữa nhịp sống hiện đại, khiến người ta cũng dừng chân, sống chậm hơn một chút…
Trong những câu chuyện ngày thơ ấu, bà tôi vẫn hay kể về cây đèn dầu hồi xưa; phải gia đình có điều kiện thì trong nhà mới có đèn dầu, mà cũng chỉ dám vặn thật nhỏ, sáng kiểu le lói. Người ta không để đèn cháy lớn vì lửa hỗn quá, ống khói nóng lên thì dễ bể, dầu cũng nhanh hết. Nhiều năm tháng qua đi, đèn dầu cũng chỉ xài trong tình huống cúp điện, mà đôi lúc má tôi quên mua dầu để châm, thành ra cây đèn nằm yên trong góc nhà, không ai nhớ tới.
Chúng tôi lớn lên với những tiện nghi theo sự phát triển của nhịp sống. Trong nhà có sẵn đèn sạc điện để dùng mỗi khi cúp điện, đèn pin cầm tay rồi đến đèn flash từ điện thoại… Chẳng còn ai nhớ cây đèn dầu, sáng chẳng bao nhiêu mà mỗi lần đốt mùi dầu hôi thoang thoảng từ trước cửa đến sau hè.
Không phải ngẫu nhiên mà trong sự đủ đầy, người ta hay hoài niệm về những ngày tháng cũ, có những vật dụng tuy không còn thông dụng nhưng vẫn có một giá trị và vị trí riêng. Ngày ông bà tôi mất, theo tục lệ người Nam bộ, bàn thờ trong 2 năm đầu tiên phải có nhang đèn đầy đủ. Cây đèn dầu nhỏ, mẹ tôi cẩn thận đặt trên bàn thờ ông bà, ba dặn sắp nhỏ ra vào thấy hết dầu thì phải châm, thỉnh thoảng thay tim.
Ý nghĩa trong tục lệ thờ cúng, đám trẻ như chúng tôi có ngồi nghe cả buổi trời cũng chẳng hiểu được bao nhiêu, bởi đứa nào cũng đang lu bu trên mạng xã hội nhiều hơn là tập trung nghe mấy chuyện đời xưa. Nhưng người lớn trong nhà dặn sao thì làm vậy, chẳng dám khác lời. Anh tôi chịu trách nhiệm phần châm dầu và thay tim đèn, thỉnh thoảng trước khi đi công tác dài ngày, anh dặn: “Nhớ châm dầu cây đèn trên bàn thờ nội, để cạn là ba má rầy đó. Trong nhà có tang thì hay lạnh lẽo, nhang đèn như vầy nhìn ấm hơn”.
Hóa ra cây đèn nhà quê, sáng chẳng mấy sáng mà chúng tôi hay chê, đã gánh một trách nhiệm quan trọng như một điểm tựa trong đời sống tinh thần. Ánh đèn sáng le lói thì làm sao sưởi ấm cả một gian nhà rộng, nhưng chính lòng thành biết tưởng nhớ, thờ cúng ông bà tổ tiên theo đúng phong tục khiến người ta thấy lòng mình ấm lại trước ngọn đèn nhỏ xíu.