Hồi đầu năm 2023, tại Đà Nẵng, gia đình tỷ phú người Ấn Độ đã tổ chức đám cưới đúng dịp Tết Quý Mão (từ ngày 25 đến ngày 29-1). Cô dâu Tuisha và chú rể Gaurav đã mời đoàn khách gần 500 người từ Ấn Độ sang, lưu trú khoảng một tuần trong một resort ven biển Đà Nẵng.
Đội ngũ tổ chức cưới đã mang theo hơn 2 tấn nguyên vật liệu, trang phục, đạo cụ… từ Ấn Độ sang phục vụ bữa tiệc. Đi cùng gia đình tỷ phú là các nhiếp ảnh gia, blogger để quảng bá cho sự kiện.
Sau lễ cưới, cô dâu Tuisha cho biết, họ rất thích Đà Nẵng vì khí hậu dễ chịu, cảnh quan đẹp với núi non, sông và biển. Hạ tầng dịch vụ du lịch chất lượng đã giúp gia đình có nhiều lựa chọn. Cưới xong, đoàn khách cả trăm người còn đi tham quan, mua sắm, ăn uống, giải trí ở các địa điểm nổi tiếng tại Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), tiệc cưới của những thị trường khách quốc tế khác thường chuộng gọn nhẹ, kín đáo, đơn giản; nhưng khách Ấn Độ hầu hết tổ chức dài ngày, có tiệc lên tới 5 ngày, và lượng khách hàng trăm người. Mỗi bữa tiệc đều có chủ đề riêng, mang đậm văn hóa vui tươi, rộn ràng. Vì vậy, họ thường thuê luôn cả khách sạn hoặc một khu vực riêng biệt để ca hát, nhảy múa. Mức chi tiêu cho các đám cưới của người giàu Ấn Độ lên tới nhiều tỷ đồng.
“Ấn Độ là một trong những quốc gia nổi tiếng về các đám cưới du lịch xa hoa, với giá trị thị trường cưới đạt hơn 45 tỷ USD năm 2022 và ước tính đạt 100 tỷ USD vào năm 2025”, ông Quỳnh cho biết.
Trong khi đó, ông Dhinesh Rajarathinam, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Tổ chức sự kiện Dated Luxury weddings (quận Hải Châu), thông tin, du lịch cưới của người Ấn Độ có thị trường truyền thống là Thái Lan và Bali, nhưng thời gian gần đây đã bão hòa. Trong khi đó, Đà Nẵng vẫn là điểm đến mới lạ về du lịch cưới.
Theo TS Võ Hữu Hòa, Viện Khách sạn Du lịch, Đại học Duy Tân, qua khảo sát, thực tế không thể tách rời thị trường du lịch cưới với sản phẩm du lịch thông thường. Đây có thể coi là sản phẩm du lịch kết hợp lưu trú, tiệc tùng, lữ hành, vận chuyển. Đà Nẵng vẫn chưa tạo ra một sản phẩm trọn gói liên quan đến du lịch cưới. Bởi lẽ địa phương vẫn còn thiếu các quy định, chính sách hỗ trợ cụ thể để quản lý, quảng bá, quảng cáo và phát triển thị trường du lịch cưới. Vì vậy, Đà Nẵng cần có “lối đi riêng” khi phát triển hệ sinh thái dịch vụ cưới.
“Cần thành lập một ban chuyên đề, hội đồng riêng để tư vấn Sở Du lịch, UBND TP Đà Nẵng xây dựng chương trình khuyến mãi, xúc tiến riêng… Điều này quan trọng với đối tác, đơn vị tổ chức cưới bởi họ có thể tìm thấy những điểm hỗ trợ chính xác. Điển hình như, du lịch cưới liên quan việc di chuyển một nhóm người trong khoảng thời gian nhất định nên cần có sự hỗ trợ làm visa đoàn, cấp phép cho một chương trình cưới có yếu tố văn hóa ngoại quốc,…”, TS Võ Hữu Hòa phân tích.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng, Đà Nẵng là thành phố có hạ tầng giao thông thuận lợi, kết nối với các điểm đến, thành phố lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phong cảnh đẹp, du lịch biển, resort nổi tiếng, chi phí vừa phải…, giúp cô dâu, chú rể có nhiều lựa chọn về chụp ảnh, tổ chức cưới, hoạt động sau cưới…
Đối với khách quốc tế, Đà Nẵng xác định 2 thị trường khách cưới tiềm năng là Ấn Độ và Đông Bắc Á (bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Đây là những thị trường có nhu cầu tổ chức cưới ở nước ngoài cao, đặc biệt là thị trường Ấn Độ - một trong những quốc gia nổi tiếng với các đám cưới du lịch xa hoa. Trong năm 2023, tổng lượt khách Ấn Độ đến Đà Nẵng đạt 68.753 lượt, chiếm 4,64% trong cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng. Trong tổng lượt khách Ấn Độ đến Việt Nam, cứ 2 người thì có 1 người đến Đà Nẵng