Đồng bộ trong đánh giá hài lòng
Chiều 2-7, UBND TPHCM tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thử nghiệm hệ thống đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định 61/2018.
Phát biểu tại buổi sơ kết, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại nhiệm vụ “đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội” và nhấn mạnh, việc đánh giá sự hài lòng của người dân khi giải quyết hồ sơ hành chính là thước đo hiệu quả trong quá trình cải cách hành chính (CCHC) của từng cơ quan, đơn vị.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh các quận - huyện chủ động trong đánh giá, như huyện Hóc Môn có cách đảm bảo 100% trường hợp làm thủ tục hành chính tham gia đánh giá. Song, công việc này không được các cơ quan, đơn vị thực hiện thống nhất. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần thực hiện một cách đồng bộ, áp dụng thống nhất từ cấp TP đến quận - huyện và phường - xã. “Đánh giá chỉ 15 giây, không tốn nhiều thời gian”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và phân tích, qua việc này chúng ta có thông tin về sự đánh giá của người dân, về thái độ công chức phục vụ người dân.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, từ nay đến cuối năm, UBND TP cần chọn 1-2 sở để thí điểm đánh giá theo cách làm mới này. Cạnh đó, các quận - huyện cần công bố thủ tục giải quyết từng loại hồ sơ, phân công đến từng cán bộ, công chức, viên chức. Khi đó, người dân sẽ biết được hồ sơ mình ở đâu, công chức nào đang giải quyết để đánh giá được công chức đó. Như vậy, người dân sẽ đánh giá được công chức ở những khâu khác, thay vì chỉ đánh giá công chức ngồi ở quầy tiếp nhận hồ sơ như trước đây. Kết quả này sẽ giúp việc đánh giá công chức gắn với chi thu nhập tăng thêm được chuẩn xác hơn.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu một số định hướng trong thời gian tới như cần chuẩn hóa khoảng 1.500 loại hồ sơ thủ tục ở cấp thành phố; 300 loại thủ tục ở cấp quận và phường. Cùng đó là việc xây dựng phần mềm (dùng chung cho toàn TP) thực hiện thủ tục hành chính đảm bảo hiện đại và dễ sử dụng; đẩy mạnh thực hiện số hóa dữ liệu… Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức là công cụ quan trọng để TPHCM nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cán bộ, công chức phải lắng nghe ý kiến người dân, coi sự hài lòng của người dân là thước đo sự phục vụ. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, trên 80% người dân hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính. Đến cuối năm 2019, bức tranh về CCHC ở TPHCM phải có sự thay đổi mạnh mẽ, tạo được sự thân thiện, gần gũi đối với người dân khi đến cơ quan hành chính.
Dễ dàng đánh giá và theo dõi hồ sơ
Trước đó, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Sĩ thông tin, từ ngày 20-6, TPHCM chính thức vận hành thử nghiệm 4 thủ tục hành chính (trong tổng số khoảng 1.800 thủ tục hành chính trên địa bàn TPHCM - PV) trên Cổng Dịch vụ công TPHCM.
Việc thiết lập hệ thống đánh giá này được thực hiện theo chuẩn tích hợp của Nghị định 61. Các nơi thử nghiệm gồm: UBND quận 9, quận Tân Phú, huyện Củ Chi và 9 UBND xã - phường - thị trấn thuộc 3 quận - huyện này. Kế đến, ngày 21-6, các đơn vị thử nghiệm tại tổ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ hành chính. Hệ thống đánh giá có tính năng liên thông giải quyết hồ sơ, giúp rút ngắn thời gian. Người dân dễ dàng tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ.
Quyền Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh (quận 9) Hồ Ngọc Tùng cho hay, tính năng nhắn tin (tới số điện thoại người dân cung cấp) tình trạng hồ sơ đã tạo thuận lợi cho người dân.
“Kết quả bước đầu đã được người dân đánh giá cao”, ông Võ Sĩ bổ sung và cho biết, quá trình triển khai cũng góp phần làm tăng tính công khai, minh bạch và thuận tiện trong giải quyết hồ sơ cho nhân dân. Tuy nhiên, hệ thống có một số tính năng mới nên người dân chưa quen.
Cán bộ, công chức còn lúng túng với thao tác. Để khắc phục, Văn phòng UBND TP kiến nghị UBND TP tiếp tục hoàn thiện hệ thống, sớm đưa vào vận hành chính thức; chỉ đạo cấp quận cùng cấp phường phải thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy trình và chấm dứt tình trạng cùng một thủ tục nhưng mỗi đơn vị tự ý thêm thành phần hồ sơ, đặt ra quy trình giải quyết khác nhau.
Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều quận - huyện khẳng định đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến nhưng tỷ lệ người dân tham gia còn hạn chế. Chẳng hạn, số người dân làm thủ tục hành chính đánh giá ở quận 1 chỉ chiếm 26%. Trong khi, số người dân làm thủ tục ở quận 12 tham gia đánh giá đạt 90% (18.000/20.000 hồ sơ), đặc biệt, tỷ lệ này ở huyện Hóc Môn là 100%.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng, để đảm bảo 100% người dân tham gia đánh giá, huyện thiết kế phần mềm phải có công đoạn đánh giá thì mới trả kết quả được. Sau 2 tháng thực hiện (từ tháng 4-2019), huyện ghi nhận gần 2.000 lượt đánh giá, với 98% hài lòng. Huyện đang xây dựng hệ thống đánh giá để từ tháng 8-2019 sẽ triển khai ở các xã. Cùng đó, huyện thiết kế phần mềm nộp hồ sơ trực tuyến qua điện thoại di động, nhằm tạo lợi cho người dân.
* Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ NGÔ HẢI PHAN:Góp phần cải thiện môi trường kinh doanh TPHCM đã đạt được một số kết quả bước đầu trong thí điểm đánh giá hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, TPHCM cần chuẩn hóa quy trình nội bộ của từng thủ tục hành chính, để áp dụng thống nhất. Khi đã chuẩn hóa quy trình, thì chỉ cần 1 phần mềm là có thể ghi nhận đồng bộ sự đánh giá của người dân với việc giải quyết thủ tục hành chính. Việc thí điểm là dịp để thống nhất, đồng bộ, giúp dịch vụ công của TPHCM thật sự thân thiện, dễ sử dụng. Từ nay đến cuối năm 2019, TPHCM triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn TPHCM sẽ tạo được kết quả lớn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. * Phó Chủ tịch UBND TPHCM TRẦN VĨNH TUYẾN: Tỷ lệ hài lòng chưa phản ánh đúng thực tế UBND TPHCM phải đánh giá sự hài lòng của người dân khi làm thủ tục hành chính một cách toàn diện hơn nữa. Tức là tỷ lệ người dân tham gia đánh giá phải nhiều hơn, chứ tỷ lệ này hiện nay còn thấp. Vì vậy, bức tranh về sự hài lòng của người dân trên địa bàn TP không chính xác. Sở - ngành nào cũng báo trên 98% người dân hài lòng. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân làm thủ tục tham gia đánh giá chưa đạt 100% nên kết quả chủ yếu là hài lòng. Việc phân tích các khía cạnh, lĩnh vực chưa hài lòng cũng chưa rõ. Trung bình TP giải quyết khoảng 14 triệu hồ sơ/năm và chỉ 1% không hài lòng thì cả năm có 140.000 lượt người không hài lòng. Do đó, UBND TPHCM đặt ra yêu cầu phải ghi nhận sự đánh giá của 100% người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính, để có bức tranh chính xác về sự hài lòng của người dân. UBND TPHCM cũng sẽ nghiên cứu mô hình cụ thể về công nghệ, về giải pháp phần mềm, về tiêu chí khảo sát để áp dụng đồng bộ, thống nhất trên toàn địa bàn TP. |